|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

27 doanh nghiệp sắp chốt quyền chia cổ tức, thưởng cổ phiếu cao nhất 150%

09:00 | 08/07/2023
Chia sẻ
Trong đợt chốt quyền tuần tới, Dược phẩm Trung ương 3 dự kiến sẽ chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 150%. Những năm gần đây, công ty dược này thường duy trì tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt dao động 60% - 80%/năm.

Trong tuần từ 10/7 - 15/7, thị trường chứng khoán Việt Nam có 27 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt, bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Một số doanh nghiệp đáng chú ý trong đợt này gồm: 

CTCP Dược phẩm Trung ương 3 (Mã: DP3) dự kiến phát hành 12,9 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 150%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 150 cổ phiếu mới.

Nguồn vốn thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2022 trên báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông nhận cổ phiếu phát hành thêm là 12/7, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 11/7.

Trước đó, ngày 22/3, DP3 đã thực hiện chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 80%, tương ứng tổng số tiền chi trả gần 69 tỷ đồng. Thời gian thực hiện thanh toán ngày 6/7. Mức chia cổ tức này gấp đôi so với kế hoạch đã thông qua trước đó là 40% bằng tiền.

DP3 là một trong số ít doanh nghiệp ngành dược đang niêm yết duy trì mức chia cổ tức bằng tiền mặt cao đều đặn qua từng năm. Cụ thể, từ năm 2018 đến 2022, tỷ lệ trả cổ tức của DP3 là 60% - 80% bằng tiền mỗi năm.

 (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty). 

Trong tuần tới, hai công ty chốt quyền chia cổ tức bằng tiền mặt cao nhất là CTCP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi - Mã: CAV) với 40% và CTCP Kim loại màu Thái Nguyên (Mã: TMG) là 45%.

Với Cadivi, cộng thêm đợt cổ tức 40% lần này, tổng tỷ lệ cổ tức chia cho năm 2022 là 80% tiền mặt, cao nhất từ lúc lên sàn đến nay. Tổng số tiền cần chia cho năm 2022 là hơn 460 tỷ đồng.

Cadivi hiện có vốn điều lệ 576 tỷ đồng, trong đó CTCP Điện lực Gelex (Mã: GEE) - thành viên của CTCP Tập đoàn Gelex (Mã: GEX) là công ty mẹ sở hữu 96,27% vốn góp (theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023). Như vậy, trong lần chia cổ tức đợt 3 tới đây, GEE sẽ nhận thêm 221,8 tỷ đồng từ công ty con Cadivi.

Từ lúc lên sàn HOSE đến nay, công ty đều đặn chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ dao động 30% - 80%. (Nguồn:  Tổng hợp từ công bố thông tin của công ty). 

CTCP Kim loại màu Thái Nguyên cũng là đơn vị chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ khá cao từ lúc được giao dịch trên UPCoM (2017) đến nay. Mức cổ tức cao nhất công ty từng chia là vào năm 2021 với 8.500 đồng/cp.

Ngày 14/7 tới đây, CTCP CNG Việt Nam (Mã: CNG) sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt tỷ lệ 20% (2.000 đồng/cp). Như vậy, với 27 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, CNG Việt Nam dự kiến sẽ chi khoảng 54 tỷ đồng để trả cổ tức. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến vào ngày 8/8.

Đồng thời, CNG Việt Nam sẽ phát hành khoảng 8,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông theo tỷ lệ 100:30, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 30 cổ phiếu mới. Nguồn vốn thực hiện từ quỹ đầu tư phát triển tại ngày 31/12/2022 trên báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán, tương ứng hơn 158,2 tỷ đồng.

Ngoài ra trong danh sách thống kê, một số công thủy điện chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức bằng tiền trong tuần tới là Thủy điện A Vương (Mã: AVC) với 15%, Thủy điện Nậm Mu (Mã: HJS) là 6%, Thủy điện Thác Mơ (Mã: TMP) tỷ lệ 10%.

 Những doanh nghiệp sắp chốt ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức. (Nguồn: Tổng hợp từ HSX, HNX).

Minh Hằng