2.500 tỉ đồng Alibaba đã thu, giờ ở đâu?
Đòi tiền trong tuyệt vọng
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, sáng 21.9, tại trụ sở Công ty CP địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba; 120 - 122 Kha Vạn Cân, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP HCM), nhân viên đến làm việc không đông như mọi ngày.
Một số nhân viên cầm những bịch đồ cá nhân, giấy tờ lên xe rời khỏi trụ sở. Sáng cùng ngày, trang web của công ty này cũng không thể truy cập được.
Trong khi đó, tại khu vực trụ sở Công ty Alibaba tiếp tục có nhiều khách hàng mang hồ sơ, giấy tờ đến tìm gặp lãnh đạo Alibaba để mong lấy lại tiền, nhưng đều tuyệt vọng vì không gặp được lãnh đạo nào để giải quyết.
Sáng 21.9, tại buổi khen thưởng các đơn vị tham gia điều tra, khám phá vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Alibaba, thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an TP HCM tập trung lực lượng khẩn trương mở rộng điều tra để xử lý những người có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật tại công ty này.
Công Nguyên
Công an Q.Thủ Đức cho biết, từ chiều 20.9 nhiều nhân viên làm việc tại trụ sở Công ty Alibaba đã bắt đầu dọn đồ khỏi trụ sở. Có nhiều khách hàng tìm đến để đòi lại tiền nhưng đều không có.
Công an địa phương đã hướng dẫn các nạn nhân đến trụ sở Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) - Công an TP HCM để làm đơn trình báo, tố cáo.
Khách hàng làm đơn trình báo, tố cáo Công ty Alibaba tại Công an TP HCMẢnh: Công Nguyên
“Dự án” đầy cỏ dại
Riêng tại địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu, theo cơ quan công an, Công ty Alibaba thu hơn 770 tỉ đồng của khách hàng với giao dịch hợp đồng khoảng 3.333 nền đất ở các dự án “ma”.
Theo ghi nhận của PV, lúc 8 giờ 30 ngày 21.9, tại công trình nhà tiền chế rộng hơn 500 m2 mà Công ty Alibaba xây dựng làm văn phòng giao dịch để rao bán dự án “ma” Alibaba Tân Thành Center City 1 (xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu), có hơn 10 nhân viên không mặc đồng phục Alibaba đang ngồi nói chuyện.
Lát sau, mỗi người một ba lô chia tay nhau, đường ai nấy đi. Công trình tạm này trước đây còn trưng biển quảng cáo “Tập đoàn địa ốc Alibaba” khắp nơi, nhưng hiện nay đã tháo bỏ.
Trong khi đó, tại các dự án “ma” Công ty Alibaba phân phối nền trước đây có đường nhựa, đường đá, bó vỉa bê tông đều đã bị chính quyền địa phương ra quyết định cưỡng chế, cuốc bỏ các công trình vi phạm, trả lại hiện trạng đất ban đầu; hiện đang bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.
Hy vọng nào cho các “khổ chủ” ?
Ông N.V.P (ngụ Q.9, TP HCM) cho biết vào năm 2017 ông là một trong những người đầu tiên đầu tư mua đất nền tại Công ty Alibaba. Theo ông P., Công ty Alibaba mua bán đất theo hình thức đa cấp, các dự án đều là đất nông nghiệp và không được sự chấp thuận của cơ quan chức năng.
Thế nhưng để thu hút người mua, công ty bán giá đất nông nghiệp thấp hơn so với thị trường khoảng 30 - 40% và cam kết lợi nhuận rất hấp dẫn. Chính vì điều này, nhiều người đầu tư bất chấp, không quan tâm đến tính pháp lý, hoặc tin theo những lời hứa “có cánh” của nhân viên bán hàng.
Về pháp lý các hợp đồng mà khách hàng ký kết với Công ty Alibaba, ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND TX.Phú Mỹ cho biết đến nay chưa có trường hợp khách hàng nào mua nền đất của các “dự án” Alibaba trên địa bàn TX.Phú Mỹ đến đăng ký sang tên, làm sổ đỏ.
“Được biết, khách hàng mua nền đất của Alibaba có diện tích khoảng 100 m2/nền, như vậy việc tách sổ là không thể được. Vì quy định mới đây của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đất nông nghiệp khi tách sổ phải đầy đủ các điều kiện, trong đó diện tích không nhỏ hơn 500 m2”, ông Thắm cho hay.
Trong khi đó, một lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, 8 “dự án” Alibaba phân lô, bán nền trên địa bàn TX.Phú Mỹ đang đứng tên chủ sở hữu là cá nhân, hộ gia đình.
"Trước đây, có một vài chủ sử dụng có đề nghị cơ quan chức năng cho hợp đồng góp vốn đầu tư vào Công ty Alibaba bằng đất, nhưng đã không được chấp nhận vì trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, công ty này chưa được cấp phép cho dự án nào thực hiện.
Cho nên các dự án Alibaba rao bán vẫn đang thuộc quyền sở hữu của cá nhân, hộ gia đình, chưa có trường hợp nào được cơ quan chức năng cho phép phân lô. Vì vậy, khách hàng của Công ty Alibaba cũng không thể nhận được sổ đỏ theo đất nền từ công ty này được", vị lãnh đạo này chia sẻ.
Theo thông tin từ Phòng PC03 Công an TP HCM, đơn vị này vẫn tiếp tục nhận đơn trình báo, tố cáo của người dân đối với Công ty Alibaba. “Người dân chuẩn bị đầy đủ các hợp đồng giao dịch ký với Công ty Alibaba, các hóa đơn chuyển tiền để công an thu thập một cách đầy đủ, chi tiết nhằm phục vụ công tác điều tra.
Còn khi nào người dân nhận lại được tiền thì phải chờ kết quả điều tra, xác minh của các cơ quan chức năng”, một cán bộ công an thông tin.
Theo PC03 - Công an TP HCM, 2.500 tỉ đồng là số tiền ghi nhận được từ các hợp đồng mà Công ty Alibaba giao dịch với khách hàng. Còn số tiền công an thu giữ tại Công ty Alibaba vào ngày 18.9 sau khi thực hiện lệnh khám xét, bắt Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Công ty Alibaba) và Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba) thì rất nhỏ.
Riêng về số tiền trong các tài khoản Công ty Alibaba và lãnh đạo công ty này bị phong tỏa thì đang trong quá trình điều tra nên chưa thể công bố.
Theo luật, sẽ phân xử thế nào ?
LS Hà Hải (Đoàn luật sư TP HCM) cho hay để đảm bảo quyền lợi cho mình, những cá nhân, tổ chức nào tham gia giao dịch với Công ty Alibaba nên chủ động tố cáo, khai báo, nộp hồ sơ chứng từ liên quan cho cơ quan CSĐT.
"Trách nhiệm dân sự, bồi thường hay hoàn trả của Công ty Alibaba đối với khách hàng, được xác định là bị hại, nguyên đơn dân sự… sẽ được tòa án giải quyết trong vụ án hình sự liên quan.
Khi xét xử, tòa án sẽ nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo; xác định bao nhiêu người bị hại và buộc các bị cáo, hoặc Công ty Alibaba phải bồi thường cho người bị hại số tiền cụ thể", LS Hà Hải nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo vị luật sư, mô hình kinh doanh của Công ty Alibaba được hiểu là bán hàng đa cấp, vì vậy bản chất các khoản hoa hồng, phần trăm lợi nhuận là tiền có được từ hành vi phạm tội.
Nếu giải quyết triệt để thì quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng cần làm rõ và thu hồi để xử lý theo quy định pháp luật.
Về thứ tự thanh toán tiền, tài sản thi hành án, ông Hồ Quân Chính, giảng viên Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp) cho hay, dựa vào bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án, cơ quan thi hành án sẽ tổ chức thi hành án.
Theo đó, trường hợp có nhiều người được thi hành án, thì việc thanh toán sẽ được thực hiện theo thứ tự: chi phí thi hành án; tiền lương, tiền công lao đồng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần; án phí, lệ phí tòa án; các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.
Ngoài ra, ông Chính nhấn mạnh, trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án, thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án.
Trường hợp xử lý hết tài sản, nhưng vẫn không đủ điều kiện thi hành án, ông Hồ Quân Chính cho biết, cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án theo điều 44a, luật Thi hành án dân sự.
"Tuy nhiên, sau đó nếu một trong những người được thi hành án xác minh, phát hiện người phải thi hành án còn tài sản, thì thông báo cho cơ quan thi hành án biết để xử lý theo quy định.
Và bản thân người thi hành án phát hiện tài sản sẽ được miễn phí phí thi hành án theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 7, Thông tư 216/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Và việc thanh toán số tiền thu được từ tài sản do đương sự xác minh, cung cấp vẫn được thực hiện theo thứ tự ưu tiên và tỷ lệ theo quy định tại điều 47, luật Thi hành án dân sự", ông Chính phân tích.
Phan Thương