|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

25 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra bỏ cuộc chơi tại thị trường EU

07:15 | 14/07/2021
Chia sẻ
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà nhập khẩu EU đang ổn định trở lại so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này vẫn chưa thoát khỏi tăng trưởng âm ít nhất hai năm trở lại đây.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) tính đến nửa đầu tháng 6, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Liên minh châu Âu (EU) đạt 51 triệu USD, giảm 21% so với năm 2020.

5 tháng đầu năm, giá cá tra xuất khẩu trung bình sang thị trường EU dao động mức 2,35 USD/kg, tương đương so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, các khách hàng nhập khẩu yêu cầu mua hàng chất lượng cao hơn nhưng giá thấp hơn nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khó duy trì doanh thu, thị phần ở thị trường này.

Tính tới cuối tháng 5, khoảng gần 25 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam thoái lui khỏi thị trường EU.

Đến cuối tháng 6, khoảng 60% dân số của EU được tiêm ít nhất một liều vắc xin ngừa COVID-19 song nhu cầu tiêu thụ cá thịt trắng trong đó có cá tra tại nhiều thị trường của khu vực chưa tăng, trong khi chi phí logistics tăng đáng kể.

Nhiều khách hàng EU đề nghị được giảm mua, hủy hoặc hoãn các đơn hàng đã ký hoặc sắp sửa ký.

Theo đánh giá của một số doanh nghiệp cá tra, để giữ được mức giá xuất khẩu sang EU ổn định so với cùng kỳ năm ngoái là một cố gắng không nhỏ vì từ đầu năm nay, chi phí đầu vào cho sản xuất, nuôi trồng, chế biến đã tăng mạnh.

Giá nguyên liệu vật tư tăng 3 - 4 đợt, các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho hoạt động của nhà máy cũng tăng từ 5 - 25%, giá thức ăn thủy sản cũng tăng từ 15 - 20%, chưa kể tiền lương người lao động, cước vận tải biển tăng từ 5-7 lần...

Do vậy, hầu hết nhà chế biến cá tra không chấp nhận được đề nghị giảm giá từ khách EU sẽ bỏ cuộc, lặng lẽ chuyển hướng sang các thị trường khác.

Trao đổi với người viết, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Có 3 trụ cột trong thủy sản là khai thác, nuôi trồng và bảo tồn. Do đó, khai thác phải đi song hành với bảo tồn để có trữ lượng thủy sản bền vững, giảm thiểu việc tàu khai thác bất hợp pháp vùng biển quốc tế, góp phần gỡ thẻ vàng IUU.

Tuy số vụ, số người vi phạm có giảm nhưng thanh tra EC khẳng định rằng nếu còn tàu vi phạm thì không thể gỡ thẻ vàng".

Theo số liệu của nhà phân tích Ragnar Nystoyl của Kontali, dự kiến sản lượng cá thịt trắng nuôi và khai thác tự nhiên năm 2021 đạt 13 triệu tấn, tăng gần 4%, tức là tăng hơn 700.000 tấn so với năm 2020. Trong đó, sản lượng cá tra, cá rô phi và cá Alaska pollock đạt mức cao nhất trong nhóm cá thịt trắng.

EU đang là khu vực nhập khẩu sản phẩm cá thịt trắng lớn nhất thế giới và theo số liệu cập nhật nhất của ITC, 4 tháng đầu năm nay, tổng giá trị nhập khẩu cá thịt trắng của thị trường này cũng giảm gần 17%. Trong đó, philê Alaska pollock, cá Hake, cá Cod giảm đáng kể.

Hoàng Anh