23.400 tỷ đồng được người dân rút ra khỏi ngân hàng trong một tháng
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 11, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng 7,68% so với cuối năm 2020.
Tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 10,6 triệu tỷ đồng, tăng gần 6% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, tiền gửi dân cư đạt gần 5,3 triệu tỷ đồng, tăng 2,63%, tương đương tăng gần 135.100 tỷ so với cuối năm 2020. Song, so với cuối tháng 10, tiền gửi của người dân giảm hơn 23.400 tỷ.
Ở chiều ngược lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại các TCTD tăng 153.212 tỷ so với tháng 10. Lũy kế 11 tháng, tiền gửi tổ chức tăng hơn 525.600 tỷ đồng, tương đương 10,78% so với năm 2020.
Trong bối cảnh dịch bệnh, lãi suất ngân hàng thấp nhất trong nhiều năm trở lại, kênh gửi tiền tiết kiệm ngày càng trở nên kém hấp dẫn. Thay vào đó, dòng tiền có xu hướng chảy vào các kênh đầu tư rủi ro hơn nhưng cũng mang lại những cơ hội sinh lời hấp dẫn hơn như chứng khoán, bất động sản.
Do đó, nhiều ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất tiền gửi, đồng thời triển khai các sản phẩm tiết kiệm khác với lãi suất cạnh tranh nhằm thu hút tiền nhàn rỗi của người dân. Chẳng hạn như VPBank, SHB hay Sacombank với mức tăng trung bình từ 0,2 - 0,3 điểm %, có trường hợp tăng mạnh đến 0,9%/năm.
Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), mặt bằng lãi suất huy động, vốn đang ở mức thấp, nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong năm 2022.
Các chuyên gia phân tích của KBSV cho rằng lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng phục hồi khi nền kinh tế mở cửa và chính sách tiền tệ thận trọng hơn của NHNN cũng khiến lãi suất tăng trở lại.
Mức tăng nhiều khả năng sẽ tương đối thấp (trên dưới 0,5%), tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%.