|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

22 công trình ‘xẻ thịt’ đất rừng Sóc Sơn bất động chờ 'lệnh'

07:01 | 09/01/2019
Chia sẻ
Liên quan đến việc cưỡng chế 22 trường hợp nằm trong rừng phòng hộ Sóc Sơn, ông Dương Văn Nhuận, chủ tịch xã Minh Trí cho biết: “Xã đang bảo vệ là không vi phạm” và đang chờ kết luận thanh tra xem sai ở đâu rồi mới quyết định có cưỡng chế hay không.

Lỗi do quy hoạch

Trả lời Tiền Phong về 22 công trình vi phạm trên đất rừng phòng hộ ở Minh Trí (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), ông Dương Văn Nhuận, chủ tịch xã Minh Trí cho rằng, 22 công trình này khác với 18 công trình ở Minh Phú là vì dân vào ở trước còn rừng có sau.

“Bên Minh Trí khác với Minh Phú là bà con ở trước, còn rừng có sau. Năm 1985, huyện Sóc Sơn vận động 130 hộ dân vào làm kinh tế mới tại Đồng Đò, người dân bắt đầu trồng rừng. Có nhà ở trong này từ năm 1960, nhà đã cũ và cổ lắm rồi. Đất là bà con vào ở trước rồi mới có rừng”, ông Nhuận cho biết.

Chủ tịch xã Minh Trí cho biết thêm, những gì nhìn thấy hiện tại về những công trình "xẻ" đất rừng trên địa bàn xã khiến mọi người hiểu sai. “Trong khu rừng phòng hộ đấy trước người dân vào ở và canh tác, lúc mới vào toàn bộ là đồi trọc không có gì, rừng là do bà con trồng, bà con bảo vệ. Sau này khi được đầu tư đường xá, hạ tầng thì mới trở nên đẹp, điều kiện khá hơn...”, ông Nhuận nói.

22 cong trinh xe thit dat rung soc son bat dong cho lenh
Sai phạm trên đất rừng phòng hộ Sóc Sơn tại xã Minh Trí là do quy hoạch?

Lý giải cho những công trình sai phạm trên, ông Nhuận cho rằng, sai sót nằm trong quy hoạch khi cán bộ về đo vẽ bản đồ địa chính vào năm 1993, sau gần 10 năm dân vào làm kinh tế mới, toàn bộ diện tích đất ở, đất ao vườn liền kề, trường học và trạm xá của khu dân cư thôn Minh Tân “bỗng nhiên” nằm trọn trong khu vực đất rừng phòng hộ.

“Quy hoạch làm không chuẩn, chúng tôi đang chờ kết luận thanh tra sẽ được công bố trước 25/2, xem sai sót ở đâu rồi mới quyết định có cưỡng chế hay không, còn xã đang bảo vệ là không vi phạm vì đây là đất xây dựng kinh tế mới”, ông Nhuận phân trần.

Xây công trình “khủng” không phải xin phép?

Cũng theo ông Nhuận, trong thời gian thanh tra 22 trường hợp vi phạm đất rừng phòng hộ Sóc Sơn tại xã Minh Trí, hiện các công trình đã dừng xây dựng.

Chia sẻ về trật tự xây dựng những công trình “khủng” trên, chủ tịch xã Minh Trí nói: “Các công trình được xây lên đất mà người ta đã có nhà sẵn ở đó rồi. Người dân chỉ xây thêm thôi. Còn việc xây dựng, nông thôn là không phải xin phép. Việc xây đúng hay sai thì cũng phải chờ kết luận thanh tra”.

22 cong trinh xe thit dat rung soc son bat dong cho lenh
Công trình "tựa núi nhìn hồ" trên đất rừng phòng hộ xã Minh Trí.

Ông Nhuận cho biết, nhiều công trình trong 22 trường hợp trên là do dân từ nơi khác đến mua lại của dân không phải người gốc của huyện.

Về công trình Hoàng Lê Gia, chủ tịch xã cho biết, trước là một xóm nhỏ ở đấy sau đó được mua lại. Hiện tại công trình đang được phủ bạt chờ kết luận thanh tra vào tháng 2 tới.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tổ hợp công trình Hoàng Lê Gia Garden đứng tên 4 chủ đầu tư khác nhau, gồm có 4 hạng mục công trình nhà 2 tầng với tổng diện tích xây dựng 717 m2. Ngoài ra, trong khuôn viên tổ hợp công trình còn có các hạng mục khác đã thi công gồm cầu bê tông qua khe núi, đường trục kết cấu bê tông nhựa, đường nội bộ lát đá, sân vườn kè taluy sườn núi, tiểu cảnh, non bộ…

22 cong trinh xe thit dat rung soc son bat dong cho lenh
Công trình "khủng" Hoàng Lê Gia phủ bạt chờ kết luận thanh tra.

Về các công trình “lấp” hồ, ông Nhuận cho biết: “Đơn vị quản lý hồ Đồng Đò xác định công trình không nằm trên diện tích hồ, đất vẫn nằm trong quy hoạch rừng không nằm trong phạm vi của hồ”.

22 cong trinh xe thit dat rung soc son bat dong cho lenh
Công trình được cho là "lấp" hồ Đồng Đò.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo công tác thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, đảm bảo kết luận đầy đủ, chính xác, khách quan và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

UBND Thành phố Hà Nội cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý sau thanh tra. Tuy nhiên, việc xử lý, khắc phục của UBND huyện Sóc Sơn và các sở ngành liên quan rất chậm, chưa triệt để, tiếp tục để xảy ra vi phạm.

Liên quan đến những sai phạm trong vụ "xẻ thịt" rừng phòng hộ ở Xã Minh Trí, lãnh đạo Huyện ủy Sóc Sơn cho biết, Ban Thường vụ đã có kết luận sau khi kiểm tra những dấu hiệu vi phạm của Đảng ủy xã Minh Trí trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng ở thôn Minh Tân.

Vị lãnh đạo cho biết thêm, Huyện ủy Sóc Sơn đang chỉ đạo UBND xã Minh Trí thực hiện kết luận của Ban Thường vụ. “Vi phạm của tập thể, cá nhân ở Minh Trí trong việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng nếu đến mức kỷ luật thì chúng tôi sẽ thực hiện”, lãnh đạo Huyện ủy Sóc Sơn nói.

DUY PHẠM

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.