19 mã ngân hàng giảm sàn, vốn hóa toàn ngành bốc hơi hơn 90.000 tỷ đồng ngày 28/1
Ngày giao dịch 28/1, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến đà bán tháo trên diện rộng với mức giảm mạnh nhất lịch sử.
Kết phiên, VN-Index giảm 73,23 điểm (-6,67%) xuống 1.023,94 điểm, HNX-Index giảm 8,03% xuống 203,05 điểm, UPCoM-Index giảm 7,17% xuống 69,12 điểm.
Trong đó, hàng loạt cổ phiếu giảm sàn với lượng dư bán giá sàn hàng triệu cổ phiếu. Đóng cửa ngày hôm nay, sàn HOSE có 276 cổ phiếu giảm sàn, HNX (131 mã) và thị trường UPCoM (100 mã). Như vậy, thị trường có hơn 500 cổ phiếu giảm sàn hôm nay.
Là nhóm trụ cột, các cổ phiếu ngân hàng cũng không thoát khỏi xu hướng chung của toàn thị trường khi hầu hết các mã trong ngành đều giảm kịch mức cho phép.
Kết phiên, có tới 23/25 mã ngân hàng giảm giá so với ngày hôm qua với 19 mã giảm sàn. Các mã vốn hóa lớn như VCB, BID, CTG, TCB, ACB, STB, MBB đều giảm gần 7% và trắng bên mua.
Đặc biệt, thị giá cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông giảm 19,9% do là ngày đầu tiên lên giao dịch tại HOSE. Trước đó, gần 1,1 tỷ cổ phiếu OCB đã chính thức được cấp phép giao dịch trên HOSE từ ngày 28/1 với giá tham chiếu 22.900 đồng/cp, biên độ dao động 20%.
Hai mã tăng giá hiếm hoi là EIB (+2,3%) và KLB (+11%).
Kết thúc phiên 28/1, giá cổ phiếu KLB (UPCoM) đứng ở mức 18.200 đồng/cp, tăng 11%; khối lượng giao dịch đạt 490.000 cp. Trước đó, thị giá KLB đã giảm 5 phiên liên tiếp 21-27/1 với tổng mức giảm là 15,3%.
Giá cổ phiếu EIB cũng bất ngờ lội ngược dòng vào cuối phiên và đóng cửa ở mức 18.100 đồng/cp, tương đương tăng 2,3%.
Đóng cửa ngày 28/1, giá trị vốn hóa toàn ngành ngân hàng dừng ở xấp xỉ 1,18 triệu tỷ đồng, giảm gần 90.250 tỷ đồng so với ngày hôm trước, tương đương 7,7%.
Trong đó, vốn hóa của một loạt ngân hàng giảm hàng nghìn tỷ đồng như Vietcombank (-25.220 tỷ đồng), BIDV (-11.500 tỷ đồng), VietinBank (-8.400 tỷ đồng), Techcombank (-8.000 tỷ đồng), ...
Hiện, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng sở hữu giá trị thị trường lớn nhất ở mức 336.024 tỷ đồng, gấp gần 2,2 lần BIDV và 3 lần VietinBank.
Ngược lại, VIetBank, PGBank và Viet Capital Bank có vốn hóa thấp nhất ngành, lần lượt đạt 4.609 tỷ đồng, 3.720 tỷ đồng và 3.425 tỷ đồng.
Đà lao dốc của hàng loạt cổ phiếu ngân hàng diễn ra trong thời gian công bố báo cáo tài chính quý IV/2020 với nhiều nhà băng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.
Tính đến hiện tại, đã có 13/18 nhà băng báo lãi tăng trong năm vừa qua. Trong đó, lợi nhuận nhiều ngân hàng tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số như VIB (42,1%), OCB (36,8%), VPBank (26,1%), Techcombank (23,1%)...
Với kỳ vọng dịch bệnh được kiểm soát và nền kinh tế hồi phục tích cực, lợi nhuận ngành ngân hàng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2021.
SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 của các ngân hàng niêm yết có thể tăng trưởng 21%. Trong đó các ngân hàng quốc doanh có thể đạt tăng trưởng lợi nhuận khoảng 30%, các ngân hàng tư nhân khoảng 17%.
Tại báo cáo chiến lược 2021, Chứng khoán VNDirect dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong danh mục theo dõi của công ty này sẽ đạt ít nhất 11%.