1.500 doanh nhân đối thoại với Thủ tướng tại Hà Nội ngày 17/5
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Tại buổi họp báo, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 có chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” sẽ diễn ra vào ngày 17/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Hội nghị có khoảng 2.000 đại biểu tham dự, gấp 4 lần so với năm ngoái, trong đó đại biểu thuộc khối doanh nghiệp dân doanh khoảng 1.500 người. Ngoài ra còn có sự tham gia của một số đại biểu khối doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Nhà nước.
Ông Lê Mạnh Hà cho biết, hội nghị thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ hỗ trợ để doanh nghiệp thực sự là động lực phát triển của đất nước.
Năm nay, hội nghị được tổ chức theo hai hình thức gồm trực tiếp và trực tuyến. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết sau khi lắng nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 35, các đại biểu sẽ vào phần thảo luận.
Tham dự hội nghị qua hình thức trực tuyến có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50-100 người mỗi điểm cầu. Hội nghị cũng sẽ được truyền hình trực tiếp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Ngay sau hội nghị, cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ họp với các Bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp; Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và VCCI đồng chủ trì họp báo về Hội nghị.
Đây là lần thứ hai Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp. Được biết, từ sau hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ nhất tổ chức vào năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới đã đạt mức kỷ lục.
Trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết hội nghị lần này sẽ tăng cường đối thoại để cùng chung tay giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Ông cho biết năm trước tại cuộc gặp với Thủ tướng VCCI tập hợp 320 kiến nghị của doanh nghiệp, hiện nay phần lớn các kiến nghị đã được xem xét giải quyết. Sau cuộc gặp có 100 kiến nghị gửi tới Bộ ngành, và có 45 câu đã được Bộ ngành trả lời chiếm 45%.
Năm nay nhận gần 200 kiến nghị mới được doanh nghiệp gửi đến và tập trung vào các vấn đề cụ thể theo nghị quyết 35.
Mặc dù nhiều khó khăn của doanh nghiệp đã được tháo gỡ nhưng ông Vũ Tiến Lộc cho rằng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn, được giảm lãi suất vay và đặc biệt là việc giảm chi phí doanh nghiệp. Hiện này các mức chi phí về bảo hiểm, logistic… của Việt Nam trong khu vực vẫn còn cao.
1.500 doanh nhân tham gia đối thoại với Thủ tướng vào ngày 17/5 |
Xã hội hóa dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp
Nếu Bộ, ngành làm tốt thẩm quyền của mình thì mỗi năm có cần cuộc gặp riêng giữa Thủ tướng với doanh nghiệp không? Trả lời câu hỏi này của báo chí, ông Lê Mạnh Hà cho rằng cuộc gặp hàng năm giữa Thủ tướng với doanh nghiệp rất cần thiết, qua đó các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp có thể được giải quyết trực tiếp.
Ông nhấn mạnh, mục tiêu chính của Nhà nước, Chính phủ là tìm kế sách để phát triển doanh nghiệp qua đó phát triển kinh tế Việt Nam nói chung. Trong đó tập trung cải tiến thủ tục, Nhà nước từ quản lý chuyển sang hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, chuyển đổi từ cung cách quản lý, sang phục vụ với nhiều giải pháp tốt cho doanh nghiệp.
Chung một quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, hội nghị đối thoại không chỉ làm nhiệm vụ cải cách các thủ tục hành chính mà còn là dịp để tác động, cổ vũ doanh nghiệp, động lực phát triển kinh tế của đất nước.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, Việt Nam đang đi theo xu hướng Chính phủ phục vụ doanh nghiệp nhưng không làm thay thị trường cho doanh nghiệp. Đồng thời sẽ đẩy nhanh xã hội hóa dịch vụ công, khảo sát dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu.
“Cùng với thoái vốn Nhà nước khỏi các doanh nghiệp cũng cần phải thoái sức Nhà nước ra khỏi các dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp, giảm biên chế, tăng tiền lương, rút gọn bộ máy để hiệu quả ”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.