|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

13 hiệp hội đề xuất giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội

16:27 | 26/10/2023
Chia sẻ
Đại diện nhiều hiệp hội cho rằng tỷ lệ đóng bảo hiểm bắt buộc tại Việt Nam là quá cao so với các nước khác nhưng chế độ hưởng lại có một số điểm bất hợp lý. Tỷ lệ đóng được đề xuất giảm 8% so với quy định hiện hành.

Mới đây, 13 hiệp hội ngành hàng gồm: thuỷ sản, dệt may, lương thực, da giày….vừa có văn bản góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trong đó đề xuất giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm bắt buộc của doanh nghiệp và người lao động.

Theo quy định tại dự thảo này tỷ lệ đóng bảo hiểm bắt buộc (gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp) là 32%quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm. Trong đó, doanh nghiệp đóng 21,5% và người lao động đóng 10,5%. 

Các hiệp hội cho rằng tỷ lệ này “rất cao” bởi theo tổng mức đóng vào quỹ bảo hiểm và mức lương tối thiểu vùng thì mức đóng năm 2022 cao hơn gấp 10 lần so với 2007. Ngoài ra, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam đang cao hơn rất nhiều nước  cao hơn so với nhiều nước trong khu vực như Malaysia (16,5%), Ấn Độ (15,25%), Indonesia (10,26%)…

Do đó, các hiệp hội kiến nghị tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đưa về bằng với 2009, tức người lao động đóng 5% và doanh nghiệp đóng 15%, tổng cộng là 20%, thay vì mức 25,5% như hiện nay.Đối với tỷ lệ đóng quỹ bảo hiểm y tế, người lao động đóng 1% và doanh nghiệp đóng 2%.

Ngoài ra, các hiệp hội còn đề xuất giảm tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp của người lao động còn 0,5% và doanh nghiệp còn 0,5% và có lộ trình giảm tiếp cho phù hợp với điều kiện thực tế. Hiện tại tỷ lệ này là 2% chia đều cho doanh nghiệp và người lao động. 

Như vậy, 13 hiệp hội đề xuất giảm của tỷ lệ đóng bảo hiểm bắt buộc của doanh nghiệp giảm 4% và người lao động giảm 4% so với quy định hiện hành. 

Các mức đóng bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành và đề xuất của các hiệp hội. (Nguồn: H.Mĩ tổng hợp).

"Theo chúng tôi tỷ lệ đóng bảo hiểm bắt buộc tại Việt Nam là quá cao so với các nước khác nhưng người lao động tại các nước này vẫn đảm bảo chi tiêu cuộc sống khi về hưu", ý kiến các hiệp hội cho biết.

Do đó, các hiệp hội cho rằng cần xem xét tổng thể việc quản lý một cách hiệu quả quỹ bảo hiểm xã hội cũng như cách tính trượt giá nói riêng và nền kinh tế vĩ mô nói chung để tuy giảm tỷ lệ đóng nhưng vẫn đảm bảo lương hưu thực tế của người lao động đáp ứng được nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống.

Các hiệp hội đề xuất, quy định nền đóng bảo hiểm xã hội và mức hưởng các chế độ (thai sản, hưu trí, tử tuất) đều nên căn cứ theo lương tối thiểu vùng.

Bởi vì nguyên tắc của bảo hiểm là có đóng có hưởng, việc hưởng phải dựa trên mức đóng. Cơ sở đóng là lương tối thiểu vùng nhưng chế độ hưởng lại theo mức lương cơ sở là không hợp lý trong khi Chính phủ tiến tới sẽ bỏ mức lương cơ sở.

Bên cạnh đó, quy định hưởng các chế độ theo một mức tiền cụ thể trong khi qua mỗi năm các chỉ số CPI lại tăng thì mức tiền hưởng chế độ này không còn phù hợp thực tế.

H.Mĩ