|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương: Sắp có 'kịch bản' cụ thể cho từng dự án

07:44 | 20/07/2017
Chia sẻ
Trao đổi với DĐDN về 12 dự án thua lỗ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, việc cấp bách lúc này là tìm mọi cách làm cho các dự án tốt lên và xử lý triệt để những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc của các dự án.
12 du an thua lo cua bo cong thuong sap co kich ban cu the cho tung du an
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: BizLive.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2016, tổng tài sản của 12 nhà máy là 57.679,02 tỷ đồng và tổng nợ phải trả là 55.063,38 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả ngân hàng VDB là 10.633,43 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 4.299,83 tỷ đồng.

- Với những dự án khó xử lý trong 12 dự án thua lỗ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nói sẽ báo cáo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trước ngày 15/7, cho đến nay Bộ Công thương có báo cáo gì chưa và có phản hồi như thế nào về hướng xử lý vốn nhà nước, thưa Thứ trưởng?

Câu hỏi này là một trong những nội dung tôi cũng vừa dự tổng kết của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Các dự án phải xử lý quyết liệt. Tuy nhiên, phải làm theo đúng chỉ đạo và nguyên tắc của Chính phủ, Thủ tướng, Ban chỉ đạo là nhà nước không tiếp tục rót tiền đầu tư vào những dự án này. Về khó khăn vướng mắc, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo, chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

- Tức là theo Thứ trưởng, cho đến thời điểm này các dự án vẫn phải chờ để tìm ra hướng giải quyết?

Tôi khẳng định sẽ không bao giờ để một dự án nào phải chờ đợi, những gì làm được sẽ phải làm, còn nếu cần thêm vốn thì lúc đó phải đề xuất và chờ ý kiến của các cấp có thẩm quyền. Còn hiện nay, Bộ Công Thương, đặc biệt là các chủ đầu tư đang rất tích cực giải quyết các tồn đọng. Quan trọng nhất là phải theo đúng nguyên tắc mà các cấp, các ngành đã đưa ra.

- Về việc chấp nhận cho phá sản 2 dự án Ethanol Phú Thọ và Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, dự án có đến 61% tổng số vốn của các cổ đông bên ngoài nên không phải ý chí phá sản Nhà nước muốn là được. Bộ Công Thương cho biết quan điểm và hướng xử lý để giải quyết những khó khăn này?

Thẩm quyền để cho một dự án phá sản hay không, không phải của Bộ Công Thương mà đây là thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Do đó, trước hết phải báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo giải quyết các dự án thua lỗ. Khi đã có ý kiến chỉ đạo và phê duyệt của các cấp thì cũng phải thực hiện theo quy định hiện hành. Ví dụ, với các công ty cổ phần, phải thực hiện theo quy định cụ thể về phá sản, hợp nhất…

- Để giải cứu các dự án thua lỗ, một số Tập đoàn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài thời hạn vay, cân đối trả nợ gốc, lãi theo dòng tiền thực tế điều chỉnh giảm lãi suất tiền vay từ 2017-2020 là 3%/năm. Thứ trưởng đánh giá thế nào về đề xuất này?

Với giải pháp liên quan đến tín dụng, giãn hoãn nợ hay giảm lãi vay ngân hàng, đây là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp, Nhà nước không thể can thiệp lãi suất bao nhiêu. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để duy trì nguồn thu, đảm bảo thực hiện phương án trả nợ ngân hàng. Đối với các khoản vay thương mại, đề nghị doanh nghiệp chủ động làm việc, Bộ Công Thương không thể yêu cầu ngân hàng này, ngân hàng kia giảm lãi suất hay giãn nợ, Chính phủ cũng không yêu cầu được việc đó. Khoản vay lại của Bộ Tài chính cho dự án Đạm Ninh Bình, Chính phủ cũng có ý kiến cần rất cân nhắc. Bộ Tài chính đứng ra để có vốn cho doanh nghiệp vay lại, nhưng thực chất tăng nợ lên sẽ quay lại bài toán hiệu quả hay không hiệu quả. Sắp tới cần chi tiết từng dự án để có kịch bản cụ thể.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguyễn Việt