|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

10 triệu USD cho Quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên của Việt Nam?

08:40 | 07/11/2017
Chia sẻ
Trước Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia Việt Nam (diễn ra ngày 13-14/11), giới startup Việt đón nhận tin vui khi một quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên của Việt Nam dự kiến ra đời.
10 trieu usd cho quy dau tu mao hiem dau tien cua viet nam
Quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên của Việt Nam dự kiến ra đời

Giải bài toán vốn cho starup

Vốn luôn là vấn đề khó khăn đối với mỗi một startup mặc dù gần đây có rất nhiều chương trình, quỹ hỗ trợ được kêu gọi để đầu tư, hỗ trợ cho khởi nghiệp. Khó hơn nữa lại chính là gọi vốn cho giai đoạn đầu tiên để xúc tiến ra đời sản phẩm bởi giai đoạn này số tiền bỏ ra thực sự được coi là chi phí, khởi nghiệp không thành công là mất vốn. Đó chính là khó khăn mà rất nhiều nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư nhìn thấy và không muốn… nhảy vào.

Còn các startup, khi bắt đầu thực hiện ý tưởng họ nghĩ ngay đến nguồn vốn có thể do chính họ bỏ ra hoặc huy động từ người thân. Nhưng startup thường phải mất vài tháng, thậm chí nhiều hơn để đạt được doanh thu, đó là lý do mà nhiều người đành bỏ cuộc dở chừng vì không đủ nguồn lực tài chính. Cộng thêm việc đa phần các startup đều tham vọng tập trung phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường, nên chắc chắn startup không thể sống bằng vốn đi vay mà phải từ tiền đầu tư dài hạn của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng biết và hiểu quá trình đầu tư ở giai đoạn sơ khai này.

Bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm đề án Việt Nam Silicon Valley (VSV) khẳng định, gọi vốn trong giai đoạn đầu khởi nghiệp là khó khăn nhất vì các nhà đầu tư tại Việt Nam chưa thực sự hiểu mô hình này, đặc biệt ở giai đoạn đầu, là giai đoạn rủi ro nhất. Vì vậy, bà Lê Anh quyết định biến VSV từ một tổ chức thúc đẩy kinh doanh thành một tổ chức bao gồm cả một quỹ đầu tư mạo hiểm. Và VSV Venture Fund có thể nói là quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên của Việt Nam đã ra đời.

Bà Lê Anh chia sẻ: “Từ trước đến nay, chúng ta luôn nói đến khái niệm hỗ trợ khởi nghiệp. Hỗ trợ tức là một chiều. Chúng tôi lại muốn mọi thứ trở nên đặc biệt hơn, người hỗ trợ có thể nhận thành quả từ việc mình làm và startup phải mang lại lợi ích cho họ”. Đó là lý do mà VSV Venture Fund thực hiện chiến lược đầu tư vào nhiều giỏ cho một gói của quỹ đầu tư mạo hiểm, để giảm thiểu rủi ro và mang lại lợi ích cho nhà đầu tư.

Bà Lê Anh khẳng định: “Các nhà đầu tư thông qua VSV Venture Fund sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn vì họ không đầu tư vào từng startup cụ thể mà đầu tư theo từng quá trình, mỗi quá trình có khoảng từ 10-12 startup, độ rủi ro chắc chắn sẽ giảm đi nhiều”.

Kêu gọi 10 triệu USD cho quỹ đầu tư mạo hiểm

VSV Venture Fund dự kiến sẽ làm việc với nhiều đối tác nước ngoài để startup không chỉ phát triển thị trường trong nước mà còn ra nước ngoài. Trước mắt, quỹ này đã nhận được khoản đầu tư 1 triệu USD từ Tập đoàn Lotte. Con số này sẽ có thể tăng lên nếu Lotte nhận thấy tiềm năng rộng lớn hơn từ các startup Việt.

Tuy nhiên, mục tiêu của bà Lê Anh trong giai đoạn đầu của VSV Venture Fund là kêu gọi được khoảng 10 triệu USD cho dòng vốn đầu tư mạo hiểm. Đây thực sự là một con số ấn tượng bởi chuyện gọi vốn đầu tư giai đoạn đầu rất vất vả ở bất kỳ quốc gia nào, thậm chí đã nhiều nước “đóng” việc gọi vốn giai đoạn đầu vì quá khó khăn.

Bà Thạch Lê Anh luôn mong muốn với những hỗ trợ từ VSV mà khởi nguồn của VSV Venture Fund, với cách đầu tư vào nhiều giỏ cùng một lúc, Việt Nam sẽ có một thị trường đầu tư mạo hiểm sôi động mà ở đó, các nhà đầu tư sẽ tự tìm đến startup như tìm đến một “mỏ vàng” họ đang cần khai quật.

Bà Lê Anh chia sẻ “Với mô hình của quỹ đầu tư mạo hiểm này, các nhà đầu tư không cần phải trực tiếp làm việc với các startup. Tất cả các vấn đề liên quan VSV sẽ đảm trách hết và với từng gói đầu tư cho nhiều startup cùng một lúc, chắc chắn tiền của nhà đầu tư sẽ sinh sôi”.

Tính đến thời điểm này, VSV đã đầu tư cho 53 nhóm. Hiện có 35 nhóm hoạt động tốt, 18 nhóm gọi vốn thành công từ quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư thiên thần. Được biết, ngay từ đầu, các nhà đầu tư đã tính đến cổ phần của họ ở các doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo đó, VSV sẽ lấy tối đa 10% cổ phần, còn lại tùy từng theo sự hứng thú của các nhà đầu tư sẽ lấy cổ phần từ khoảng 5-10%.

Theo bà Lê Anh, việc VSV xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm từ con số 0 cũng là một con đường giúp các startup nhìn vào, để lấy đó như một tấm gương để cố gắng, vì VSV làm được thì các bạn trẻ khởi nghiệp cũng làm được.

10 trieu usd cho quy dau tu mao hiem dau tien cua viet nam VinaCapital sẽ khởi động một quỹ đầu tư mạo hiểm về công nghệ năm 2018

VinaCapital sẽ thanh lý hợp đồng hợp tác với DFJ Venture Capital, theo đó sẽ chấm dứt hoạt động của quỹ DFJ VinaCapital được thành lập năm ...

Nhật Thu