|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

10 sự kiện nổi bật của thị trường hàng hóa năm 2020

15:00 | 30/12/2020
Chia sẻ
Năm 2020 là một năm đầy biến động của thị trường hàng hoá thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Cùng nhìn lại 10 sự kiện nổi bật thể hiện bức tranh toàn cảnh thị trường trong năm qua.
10 sự kiện nổi bật của thị trường hàng hóa năm 2020 - Ảnh 1.

Thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, bùng phát và trở thành tâm điểm tại các quốc gia như: Trung Quốc, EU, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản... đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động xuất nhập khẩu của các nước, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể với ngành dệt may, nguồn cung bị gián đoạn và nhu cầu đơn hàng giảm mạnh. Trong đó, nhu cầu với sản phẩm dệt may tại Mỹ và châu Âu giảm do người tiêu dùng ở nhà để tuân thủ quy định phong tỏa của nhà chức trách. 

Nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp đã bị hủy, hoãn giao hàng, không ký tiếp đơn hàng mới và chậm thanh toán, dẫn đến thiếu hụt dòng tiền, nguy cơ đứt thanh khoản.

Theo Bộ Công thương có thể nói, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm sau 25 năm tăng trưởng liên tục.

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cũng khiến các thị trường mua hàng lớn của ngành da giày - túi xách Việt Nam là Mỹ, EU giảm mạnh đơn hàng, nhất là khi các quốc gia và khu vực này đóng cửa biên giới.

So với cú sốc nguyên liệu, cú sốc thị trường nghiêm trọng hơn rất nhiều, bởi không chỉ ảnh hưởng tới tài chính của doanh nghiệp mà còn là vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động và biến động lao động sau dịch bệnh.

Tuy nhiên, với xuất khẩu gỗ vẫn có những bước tăng trưởng ấn tượng khi giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 11 tháng đầu năm 2020 đạt 10,88 tỷ USD, tăng hơn 14% so với cùng kì năm 2019. 

Đáng chú ý, tháng 11 là tháng thứ 5 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 1 tỷ USD/tháng. 

Tính chung, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng của Việt Nam ước tính đạt hơn 489 tỷ USD, vẫn tăng trưởng với mức tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

10 sự kiện nổi bật của thị trường hàng hóa năm 2020 - Ảnh 2.

Giá vàng thế giới và giá vàng trong nước bước sang những ngày đầu năm 2020 đã bắt đầu lập đỉnh liên tục, đặc biệt khi diễn biến khó lường của dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, kim loại quý này càng có cơ hội "lên cơn điên" dữ dội nhất trong lịch sử của chính mình.

Theo đó, từ mốc chỉ hơn 42 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 1/2020 đối với vàng SJC và quanh mốc hơn 1.500 USD/ounce đối với vàng thế giới, giá vàng tăng không ngừng và chạm mốc cao nhất kể từ năm 2012 vào đầu tháng 3.

10 sự kiện nổi bật của thị trường hàng hóa năm 2020 - Ảnh 3.

Mức cao nhất của giá vàng trong nước được ghi nhận là hơn 62 triệu đồng/lượng. (Ảnh: Như Huỳnh).

Tưởng chừng đà tăng đó là mạnh mẽ nhất trong năm, nhưng xu hướng tăng của kim loại quí này vẫn không ngừng nghĩ ở những tháng tiếp sau đó. Cao điểm có thể nói đến là tháng 8/2020 khi giá vàng điên loạn xổ đổ hàng loạt kỉ lục chỉ trong thời gian ngắn được thiết lập. 

Đỉnh điểm của giá vàng thế giới, có lúc lên gần 2.050 USD/ounce, còn vàng trong nước cũng hơn 62 triệu đồng/lượng, ghi nhận vào ngày 6/8. Đây là mức giá cao nhất mọi thời đại của vàng. 

Thời điểm đó, giá vàng SJC đã tăng tăng hơn 47% so với cuối tháng 12/2019. Đồng nghĩa nhà đầu tư lời khoảng 20 triệu/lượng sau khoảng 8 tháng mua vào.

Một trong những nguyên nhân khiến kim loại quí tăng bất chấp là do đại dịch COVID-19 khiến các nhà đầu tư tìm kiếm kênh trú ấn, bảo toàn tài sản trong bối cảnh khủng hoảng, bất trắc của nền kinh tế.

Tuy nhiên, sau lần tăng dồn dập lên đỉnh hồi đầu tháng 8, cả giá vàng trong nước và vàng thế giới đều quay đầu đi xuống.

Ghi nhận diễn biến của giá vàng cho thấy mức giảm không có sự dữ dội như xu hướng tăng trước đó, cùng với việc không ghi nhận thêm lần lập đỉnh mới nào xảy ra nên giá kim loại quý thời điểm này đã xuống hơn 1.800 USD/ounce tại thị trường thế giới và giao dịch quanh mức hơn 54,8 triệu đồng/lượng mua vào và hơn 55,5 triệu đồng/lượng bán ra tại thị trường Việt Nam.

Như vậy, giá vàng thế giới đã hạ nhiệt hơn 250 USD/ounce và giá vàng SJC đã giảm khoảng 7 triệu đồng/lượng sau 4 tháng chạm đỉnh lịch sử.

10 sự kiện nổi bật của thị trường hàng hóa năm 2020 - Ảnh 3.

Năm 2020, sau một năm dịch tả heo châu Phi bùng phát nặng nề tại các tỷnh, thành của Việt Nam dẫn đến nguồn cung thiếu hụt.

Tình trạng này đã khiến giá heo hơi trong nước bị đẩy lên mức kỷ lục lịch sử hơn 100.000 đồng/kg, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đồng ý đề xuất của Cục Thú y về việc nhập khẩu heo sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi, giết mổ làm thực phẩm kể từ ngày 12/6/2020.

10 sự kiện nổi bật của thị trường hàng hóa năm 2020 - Ảnh 5.

Lô heo sống được nhập từ Thái Lan đã về đến trang trại lợn thuộc hệ thống của Công ty Thùy Dương Phát ở Đồng Nai hồi tháng 6. (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Theo Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đây là lần đầu tiên cho phép nhập khẩu chính ngạch heo sống (nguyên con) từ các nước để hạ giá heo hơi và heo thịt trong nước tăng cao do dịch tả heo châu Phi. 

Sau khoảng 6 tháng được phép nhập khẩu heo, đến cuối tháng 12, giá heo hơi trong nước đang giao dịch trong khoảng 67.000 - 73.000 đồng/kg, vẫn khá cao so với mức giá yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là khoảng 60.000 đồng/kg. 

10 sự kiện nổi bật của thị trường hàng hóa năm 2020 - Ảnh 4.

Ngày 20/4 (rạng sáng 21/4 giờ Việt Nam) đã trở thành ngày lịch sử của ngành dầu mỏ thế giới, sau khi giá dầu thô WTI (dầu ngọt nhẹ Tây Texas, Mỹ) giao tháng 5 rơi xuống mức -37,63 USD/thùng. Lúc đầu, mức giá rơi xuống tận -40,32 USD/thùng rồi quay ngược lại mức -37,63 USD/thùng khi chốt phiên giao dịch.

Đây là lần đầu tiên giá dầu thô thế giới rơi xuống mức âm (dưới 0 USD/thùng) và đây là mức giá thấp nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) từ năm 1983, theo Đài CNN.

Theo Bloomberg, khái niệm kinh tế “giá âm” được hiểu là khi thị trường bán buôn một mặt hàng (như dầu mỏ) ở tình trạng cung vượt quá cầu. Có thể thấy, tình trạng này xảy ra với thị trường dầu mỏ thế giới, khi cung vượt quá cầu và các kho chứa khắp nơi trên thế giới đã tràn.

Nhu cầu dầu thô trên thế giới vẫn đang thấp do dịch COVID-19 lây lan mạnh mẽ. Hệ quả là, các nước áp dụng lệnh phong toả khiến hoạt động đi lại bị hạn chế.

Mặt khác, giá dầu âm bất chấp OPEC và các nước đồng mình đã đồng ý giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày nhằm đối phó tình trạng nguồn cung dư thừa. Dù vậy, giới chuyên gia đánh giá bất chấp các nỗ lực của OPEC, lượng cung vẫn cao hơn rất nhiều so với nhu cầu.

Theo tính toán, tình trạng sụt giảm kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu trên phạm vi toàn cầu đã dẫn tới việc làm dư thừa khoảng 20 triệu thùng dầu/ngày trên thị trường dầu mỏ, khiến các kho chứa dầu bị tràn. 

Về lý thuyết, điều này buộc các nhà sản xuất dầu mỏ phải chi tiền cho khách hàng để họ mua dầu mỏ của mình, qua đó biến dầu mỏ có giá âm (dưới 0 USD/thùng) đối với nhà sản xuất.

10 sự kiện nổi bật của thị trường hàng hóa năm 2020 - Ảnh 5.

Sau hơn 9 tháng Quyết định 11/2017/QĐ-TTg ngày 14/7/2017 hết hiệu lực, Chính phủ đã quyết định giá mua điện mặt trời mới áp dụng từ ngày 22/5/2020.

Theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020, dự án điện mặt trời nối lưới đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 thì dự án (hoặc một phần dự án đó) được áp dụng biểu giá mua điện mới.

Cụ thể, giá mua điện mặt trời mặt đất là 7,09 cent/kWh, tương đương 1.644 đồng, giảm hơn 440 đồng/kWh so với quy định trước đây. Còn giá điện mặt trời nổi là 7,69 cent/kWh, tương đương 1.783 đồng, điện mặt trời mái nhà là 8,38 cent/kWh, khoảng 1.943 đồng.

Các mức giá này chưa gồm thuế VAT, được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VND/USD và áp dụng trong 20 năm từ ngày dự án vận hành thương mại.

Riêng các dự án tại tỉnh Ninh Thuận nằm trong qui hoạch, vận hành thương mại trước 1/1/2021 được hưởng mức giá 9,35 cent/kWh (tương đương 2.086 đồng). Giá mua này cũng chưa gồm thuế VAT và kéo dài trong 20 năm.

10 sự kiện nổi bật của thị trường hàng hóa năm 2020 - Ảnh 6.

Ngày 24/3, Tổng cục Hải quan gửi văn bản hoả tốc yêu cầu tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0h ngày 24/3/2020.

Văn bản được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cộng với diễn biến khắc nghiệt gây hạn mặn miền Tây. Trước đó, Thủ tướng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia, nhất là trong điều kiện dịch bệnh xảy ra trên thế giới.

Thông tin này đã gây bất ngờ cho những doanh nghiệp xuất khẩu gạo và cả những người nông dân.

Tuy nhiên ngay sau đó, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng đề nghị tạm hoãn việc dừng xuất khẩu gạo để có thời gian xác minh số liệu.

10 sự kiện nổi bật của thị trường hàng hóa năm 2020 - Ảnh 9.

Hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường từ ngày 1/5. (Ảnh: Báo Nhân dân).

Sau đó, Chính Phủ đã quyết định tạm dừng ký mới các hợp đồng xuất khẩu gạo để có thời gian kiểm tra lại lượng tồn kho thực tế, sản lượng dự kiến. Đồng thời đồng ý áp dụng hạn ngạch xuất khẩu tháng 4/2020 đối với mặt hàng gạo là 400.000 tấn. 

Thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước. Số lượng trên tờ khai hải quan đã đăng kí sẽ được trừ lùi vào số lượng được xuất khẩu trong tháng 4.

Tuy nhiên, sau chưa đầy 24 giờ, các doanh nghiệp đã đăng ký đủ số lượng gạo xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn gạo ngay sau khi hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoạt động.

Một số doanh nghiệp cho rằng hoạt động mở tờ khai hải quan không minh bạch gây thiệt thòi cho các đơn vị xuất khẩu. Doanh nghiệp không được thông báo cụ thể về thời gian đăng ký và trang đăng kí online của Tổng cục hải quan liên tục bị lỗi.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời, có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lí nghiêm theo quy định của pháp luật, làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc công khai, minh bạch liên quan đến việc làm thủ tục hải quan và việc đăng ký mở tờ khai hải quan khi xuất khẩu gạo.

Đồng thời, cho phép hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế từ 1/5.

10 sự kiện nổi bật của thị trường hàng hóa năm 2020 - Ảnh 7.

Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định này đã chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2020.

Theo Bộ Công Thương việc đưa EVFTA vào thực thi trong bối cảnh xu hướng kinh tế - thương mại và thị trường có nhiều biến động khó lường được kì vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác chiến lược để đẩy mạnh quan hệ thương mại, công nghiệp, kết nối đầu tư đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, hướng tới sự phát triển bền vững Việt Nam – EU trong thời gian tới.

10 sự kiện nổi bật của thị trường hàng hóa năm 2020 - Ảnh 9.

EVFTA có hiệu lực từ 1/8. (Ảnh: BStyle)

EU là thị trường có dung lượng lớn với sự thống nhất trong đa dạng và nhiều dư địa tăng trưởng; đồng thời cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và EU mang tính bổ trợ thay vì đối đầu cạnh tranh.

Việc thâm nhập thành công thị trường EU đồng nghĩa với việc Việt Nam có cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác với cùng lúc 27 quốc gia thành viên, góp phần giải quyết bài toán đầu ra về mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.

Bộ Công Thương cho biết đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được kí kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.

Tính đến hết tháng 11 của năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang EU đã đạt 22,2 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. 

Tuy nhiên, nếu nhìn vào 3 tháng thực hiện EVFTA có thể thấy, xuất khẩu Việt Nam sang EU đạt 11 tỷ USD, tăng 5%. Trong đó, riêng tháng thứ 3 sau khi hiệp định có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 15%. 

Theo chiều ngược lại, nhập khẩu từ EU vào Việt Nam đạt 13,2 tỷ USD, tăng 4,3% trong 11 tháng năm 2020, tính riêng sau 3 tháng EVFTA có hiệu lực thì con số tăng trưởng là 11%.

10 sự kiện nổi bật của thị trường hàng hóa năm 2020 - Ảnh 8.

Ngày 15/11, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước thành viên, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết.

RCEP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của 10 quốc gia thành viên của ASEAN, gồm Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và 5 đối tác của khối này là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

10 sự kiện nổi bật của thị trường hàng hóa năm 2020 - Ảnh 11.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh kí kết RCEP trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng 15/11. (Ảnh: Bộ Công Thương).

RCEP khi được thực thi, sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

Với Việt Nam, RCEP giúp các doanh nghiệp không chỉ tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn, qui mô GDP gấp đôi CPTPP, mà còn tiếp cận được nguồn nguyên liệu, phục vụ chuỗi sản xuất các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu hiện nay.

Việt Nam có thể nhập khẩu chip điện tử từ Nhật Bản, Hàn Quốc; nhập nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc, sau đó sản xuất trong nước và xuất đi nước khác, đồng thời thỏa mãn quy tắc xuất xứ nội khối để tận dụng được ưu đãi thuế quan

10 sự kiện nổi bật của thị trường hàng hóa năm 2020 - Ảnh 9.

Dưới tác động của dịch COVID-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày. 

Nguyên nhân nhu cầu chững lại do dịch COVID-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do đơn hàng khan hiếm. 

Cụ thể, theo số liệu của Hiệp hội dệt may Việt Nam nhu cầu của châu Âu và Mỹ trong năm 2020 giảm lần lượt là 45% và 40% với hàng may mặc, giảm 27% và 21% với giày dép.

Trong năm, tình hình đơn đặt hàng của các doanh nghiệp dệt may luôn trong tình trạng "nhỏ giọt" khiến kết quả xuất khẩu cả năm được dự báo khó bằng được năm ngoái, mục tiêu 40 tỷ USD đặt ra trước đó khó hoàn thành.

10 sự kiện nổi bật của thị trường hàng hóa năm 2020 - Ảnh 15.

Nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may chững lại do dịch COVID-19. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Bộ Công Thương dự báo tổng trị giá xuất khẩu cả năm 2020 của ngành dệt may sẽ đạt khoảng 33,5-34 tỷ USD, giảm khoảng 14-15% so năm 2019.

Tính đến thời điểm quý IV/2020, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Mỹ và châu Âu, khiến cho thời điểm hồi phục của ngành thời trang về mức trước khi đại dịch được dự đoán là cuối năm 2022, đầu năm 2023.

10 sự kiện nổi bật của thị trường hàng hóa năm 2020 - Ảnh 16.

Tính đến hết tháng 11, Việt Nam đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 11 tháng đạt hơn 489 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3%. Đáng chú ý, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch.

Về thị trường, trong 11 tháng, xuất khẩu sang các thị trường EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản đều giảm từ 3% đến 10%, riêng xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc vẫn tăng trưởng. 

Cụ thể, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng với kim ngạch đạt gần 70 tỷ USD, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 43 tỷ USD, tăng 16%.

Dự kiến, cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1%, trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa khoảng 260 tỷ USD, tăng khoảng 2,6%. Như vậy, mức thặng dư thương mại vào khoảng 7 tỷ USD

Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021.

Như Huỳnh

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.