10 năm tới, Việt Nam cần thu hút 150 tỉ USD để đầu tư các dự án phát điện
Sáng 24/11, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo “Huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập” .
Sự kiện giúp các bên thảo luận, đánh giá thêm về hướng tiếp cận và một số phương thức, điều kiện phù hợp để huy động các nguồn vốn quốc tế cho phát triển năng lượng nói chung và cho các dự án nguồn điện độc lập nói riêng.
10 năm tới, ngành điện cần đầu tư 150 tỉ USD
Theo ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu qui hoạch và phát triển, năng lượng là một kết cấu hạ tầng không thể thiếu để đảm bảo duy trì tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo tính toán, 10 năm tới, Việt Nam cần thu hút 150 tỉ USD để đầu tư các dự án phát điện, bằng 1/2 tổng GDP hiện nay của đất nước.
Tuy nhiên, với qui mô thị trường vốn trong nước hiện nay và trong ít nhất 5 năm tới, ông Đông cho rằng dòng vốn nội sinh của nền kinh tế không thể đáp ứng yêu cầu nguồn vốn cho phát triển ngành điện lực.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhắc đến Nghị quyết 55 về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành ngày 11/2/2020. Ông cho rằng đây là nghị quyết có nhiều đột phá trong phát triển năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước và phù hợp với xu thế của thời đại.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2021-2030, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện là 133,3 tỉ USD; giai đoạn 2031-2045 cần 184,1 tỉ USD.
Ông Hiển nhận định trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào các dự án điện ngày càng khó khăn, việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân là rất cần thiết, có vai trò và ý nghĩa quan trọng.
Thu hút đầu tư tư nhân vào ngành điện nói chung còn gặp nhiều khó khăn
Tại hội thảo, Phó ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cũng đề cập đến những khó khăn khi thu hút đầu tư tư nhân vào ngành điện nói chung và vào các dự án điện độc lập (IPP).
Nguồn vốn huy động từ chủ sở hữu khó khăn do thị trường vốn chưa phát triển, khó đáp ứng các yêu cầu phát hành ra công chúng. Ngoài ra, vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong nước gặp khó khăn do các dự án năng lượng đòi hỏi nguồn vốn lớn.
Đồng thời, các ngân hàng cũng gặp khó khăn khi phải cân đối nguồn cho vay do nguồn huy động ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn trong khi cho vay các dự án năng lượng là dài hạn. Lãi suất vay vốn các ngân hàng trong nước để thực hiện các dự án điện IPP còn khá cao, chưa có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ của Nhà nước dẫn đến giá điện bán cao, các dự án khó thu xếp vốn.
Ba tiêu chí để thu hút dòng vốn quốc tế
Theo Phó ban Kinh tế Trung ương, để huy động được nguồn vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập, Việt Nam phải tuân thủ các yêu cầu và luật chơi quốc tế.
Ông Hiển cho rằng dòng vốn quốc tế sẽ chỉ dịch chuyển về các quốc gia đáp ứng 3 tiêu chí là: có qui mô thị trường đủ lớn; khả năng sinh lời ở mức hấp dẫn; rủi ro thấp.
"Với tổng mức đầu tư gần 13 - 15 tỉ USD/năm, qui mô thị trường Việt Nam là đủ sức hấp dẫn. Để tăng khả năng sinh lời và giảm rủi ro nhằm thu hút được dòng vốn quốc tế, Việt Nam cần coi trọng vai trò của xếp hạng tín nhiệm quốc gia vì thông qua đó sẽ giúp Chính phủ, định chế tài chính và doanh nghiệp khi huy động vốn vay hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế có thể giảm được chi phí huy động vốn", ông Hiển nói.
Ngoài ra, cơ chế về giá điện cũng cần đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, từ đó bảo đảm khả năng sinh lời cần thiết để thu hút các dòng vốn quốc tế.