10 năm 'ảo mộng' Saigon Sunbay, khi nào Cần Giờ mới cất cánh?
Thời điểm khởi công, Saigon SunBay được quy hoạch với quy mô 600 ha tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, trong đó 400 ha là đất xây dựng và 200 ha là bãi biển nội bộ. Về giao thông, dự án cách trung tâm TP.HCM 50 km đường bộ về hướng Đông Nam, cách Vũng Tàu khoảng 10 km đường thủy.
Với lợi thế vị trí sát bờ biển và gần rừng dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận năm 2.000, đây là dự án đô thị du lịch biển trọng điểm của TP.HCM, được quy hoạch trở thành điểm đến du lịch và khu dân cư cao cấp phục vụ khoảng 31.000 người, trong đó cư dân chiếm 7.700 người, còn lại là khách du lịch.
Toàn bộ dự án được phân chia thành 4 khu chức năng chính: HeartBay, LifeBay, EcoBay và BlueBay. Chủ đầu tư dự án lúc đó là Công ty CP Đô Thị Du Lịch Cần Giờ (Cangio Tourist City - CTC) được thành lập vào ngày 21/09/2004 với những cổ đông chính là Tổng công ty Du Lịch Sài Gòn, Tập đoàn Đầu Tư Sài Gòn (SGI), Văn phòng Thành ủy TP HCM…
Tuy nhiên, sau lễ khởi công hoành tráng là tình trạng ì ạch của dự án này. Khi trả lời báo chí năm 2010, ông Nguyễn Đình Thái - Tổng giám đốc CTC lúc đó cho biết trước ngày dự án khởi động, CTC đã ký kết hợp đồng với Liên doanh các nhà thầu gồm Công ty Semtech Limited (Mỹ) và Công ty CCC Guangzhou Dredging Co., Ltd. (Trung Quốc) để thi công phần hạ tầng lấn biển cho toàn bộ dự án. Theo đó, phía Mỹ đảm trách việc thu xếp tài chính và nhà thầu Trung Quốc chịu trách nhiệm thi công.
Vị trí dự án Saigon Sunbay. |
Theo hợp đồng, nhà thầu sẽ ứng vốn thi công phần hạ tầng trong vòng 3 năm đầu. Sau khi hoàn chỉnh, nhà thầu sẽ bàn giao cho CTC và CTC có trách nhiệm thanh toán khoản nợ này.
Tuy nhiên, theo ông Thái, hợp đồng đã không thể thực hiện được do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, nhà thầu cũng không thu xếp được nguồn tài chính 200 triệu USD cho phần san lấp. Hơn nữa, cả CTC cũng gặp không ít khó khăn trong việc huy động vốn. Theo tính toán ban đầu, dự án Saigon Sunbay sẽ "nuốt" gần 500 triệu USD, nhưng đến năm 2010, con số do CTC đưa ra đã lên đến 600 triệu USD (trên 11.000 tỷ đồng).
Trong khi đó, phần vốn góp của các cổ đông đến thời điểm 2010 mới chỉ khoảng 300 tỷ đồng. Do đó, dù dự án đã hoàn thành các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản như phê duyệt quy hoạch 1/2000, đền bù trên 50 tỷ đồng cho các hộ nuôi trồng trong vùng dự án (chủ yếu là nuôi nghêu), có giấy phép xây dựng, rà soát bom mìn..., song không có đủ vốn để triển khai.
Sau đó, được biết CTC cũng có một số động thái như tìm kiếm thêm nhà đầu tư, tăng vốn điều lệ và ký kết với nhà thầu thi công khác nhưng tình hình triển khai dự án Saigon Sunbay vẫn không khả quan. Đầu năm 2014, UBND TP HCM đã nhắc nhở chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ dự án, nếu trong 2014 không thực hiện đúng tiến độ giai đoạn 1 đã đề ra thì thành phố sẽ chuyển đổi nhà đầu tư vì chậm tiến độ hơn 5 năm.
Quy hoạch của Saigon Sunbay. |
Kéo dài đến đầu năm 2015, các cổ đông cũ của CTC lần lượt thoái vốn và thay vào đó là một tập đoàn lớn về bất động sản mua lại toàn bộ cổ phần. Tháng 6/2015, CTC kiến nghị xin mở rộng quy mô dự án Saigon Sunbay dọc bờ biển theo hướng về xã Long Hòa, tại khu mở rộng sẽ xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi.
Cuối năm 2015, theo đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc, UBND TP HCM đã chấp thuận cho CTC thực hiện nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 cho toàn Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với tổng diện tích 1.080 ha (bao gồm khu 600 ha cũ và 480 ha mới).
Tháng 11/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng chủ trì thẩm tra đề nghị của UBND TP HCM về việc chấp thuận chủ trương về phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đối với toàn bộ khu vực ven biển tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh với quy mô nghiên cứu là 2.870 ha (bao gồm Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ của CTC).
Tháng 1/2017, trong văn bản góp ý về quy mô lập quy hoạch phân khu Khu vực ven biển tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, Bộ Tài nguyên Môi trường đề nghị UBND TP HCM cần lưu ý khu dự trữ sinh quyển ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đồng thời cũng là khu di tích có giá trị lịch sử.
Vì vậy, để lập quy hoạch đạt được hiệu quả cao và không gây những ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái ven biển và môi trường xung quanh, đề nghị cơ quan lập quy hoạch thực hiện đánh giá môi trường chiến lược, tác động môi trường tổng thể theo quy định hiện hành trong quá trình lập quy hoạch.
Theo Bộ Tài nguyên Môi trường, việc quy hoạch phân khu khu vực ven biển tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh cần tuân thủ: quy định về quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ, đặc biệt quy định về hành lang bảo vệ bờ biển tại mục 1, 2 Chương IV Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Đối với việc khai thác sử dụng không gian biển cần tuân thủ quy định tại Nghị định 51 ngày 21/5/2014 của Chính phủ... đồng thời tham khảo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Giữa tháng 4/2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý về nguyên tắc nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu vực ven biển tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP HCM tiếp thu ý kiến của các Bộ và các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức nghiên cứu lập, thẩm định và phê duyệt bảo đảm các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng và phát triển bền vững; cập nhật vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2030, trình duyệt theo quy định.
Sau khi quy hoạch được phê duyệt, UBND TP HCM xem xét quy mô Dự án đầu tư Khu đô thị lấn biển Cần Giờ bảo đảm phù hợp với quy hoạch, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và phát triển đô thị. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo quan sát, hiện tại khu dự án Saigon Sunbay đã san lấp được một phần diện tích và đang ngừng thi công.