|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

10 địa phương sản xuất công nghiệp tăng cao nhất 2021: Ninh Thuận dẫn đầu, TP HCM và Hà Nội đều không lọt top

10:57 | 29/12/2021
Chia sẻ
Theo Tổng cục Thống kê, IIP năm 2021 so với năm trước tăng ở 48 địa phương và giảm ở 15 địa phương trên cả nước. Ninh Thuận đứng đầu với chỉ số IIP tăng 24,6%, tiếp theo là Đắk Lắk, Gia Lai, Hải Phòng,...

Theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý IV và năm 2021 của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp trong quý IV khởi sắc ngay sau khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết 128 với mức tăng 6,52% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung cả năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82% so với năm 2020, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 6,21% do sản lượng khai thác dầu thô giảm 5,7% và khí đốt tự nhiên giảm 19,4%, làm giảm 0,23 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất năm 2021 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với năm trước: Sản xuất kim loại tăng 22,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 10,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,6%; khai thác than cứng và than non tăng 9%; dệt tăng 8,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 8,1%; sản xuất trang phục tăng 7,6%. 

Top 10 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp cao nhất 2021 - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 16,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 13,2%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 11,5%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 5,5%; khai thác quặng kim loại giảm 4,9%.

Theo Tổng cục Thống kê, IIP năm 2021 so với năm trước tăng ở 48 địa phương và giảm ở 15 địa phương trên cả nước. Trong đó, Ninh Thuận là tỉnh đứng đầu với chỉ số IIP tăng 24,6%, xếp thứ hai là Đắk Lắk với mức tăng 23,8%. 

Trong số các thành phố trực thuộc trung ương, chỉ có duy nhất Hải Phòng lọt Top 10 địa phương có mức tăng IIP cao nhất với 18,2%, đứng thứ 4 cả nước. Các đầu tàu kinh tế như TP HCM và Hà Nội đều không nằm trong nhóm tăng cao này.

Ở chiều ngược lại, TP HCM ghi nhận mức giảm sâu nhất cả nước với mức giảm 14,3%, tiếp theo là Cần Thơ giảm 10,1%.

Top 10 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp cao nhất 2021 - Ảnh 2.

Biểu đồ: Tổng cục Thống kê.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2021 tăng cao so với năm trước: Thép cán tăng 33,5%; linh kiện điện thoại tăng 29,5%; xăng dầu tăng 14,4%; sữa bột tăng 13,1%; khí hóa lỏng LPG tăng 10,9%; sắt, thép thô tăng 10,5%; thức ăn cho gia súc tăng 9,5%; ô tô tăng 9,1%; than sạch tăng 9%. 

Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với năm trước: Tivi giảm 38,6%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 19,4%; bia giảm 7,1%; dầu mỏ thô khai thác giảm 5,7%; đường kính giảm 3,3%; thức ăn cho thủy sản giảm 3,2%.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12 tăng 5,9% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5% so với năm 2020 (năm trước tăng 3,3%).

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/12 tăng 0,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 21,9% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 25,3%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2021 là 79,1% (năm 2020 là 71,9%).

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/12 tăng 1,7% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,9% so với cùng thời điểm năm trước. 

Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,2% và giảm 2,2%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,2% và giảm 3,9%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,1% và giảm 1%. 

Phương Trang

ĐHĐCĐ bất thường HSC: Dự báo lợi nhuận 2024 trên 1.300 tỷ đồng, tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng
Tổng Giám đốc HSC, cho biết tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của công ty đã áp sát ngưỡng tối đa quy định. Đồng thời, công ty cần chuẩn bị trước cho kịch bản thị trường xuất hiện nhịp tăng, nhu cầu sử dụng margin của khách hàng lên cao trong tương lai vì vậy tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng là rất cấp bách.