10 bẫy tâm lí về tiền bạc chúng ta thường tự lừa dối chính mình
Khi nói đến tài chính cá nhân, trung thực luôn là chính sách tốt nhất. Thành thật với ngân hàng, trung thực với gia đình, nhưng trên hết, hãy trung thực với chính mình.
Những người thường xuyên gặp rắc rối về tài chính là do họ không trung thực về tình hình tiền bạc. Vì vậy, nhận ra những bẫy tâm lí phổ biến nhất là một chìa khóa để tiến tới tương lai minh bạch tài chính hơn và có thu nhập cao hơn.
Dưới đây là một số bẫy tâm lí về tiền bạc phổ biến nhất mà chúng ta thường tự nói với chính mình, theo Wisebread.
Nguồn: Wisebread
1. "Đó là khoản nợ tốt"
Các chuyên gia thường đặt ra 2 khái niệm "nợ tốt" và "nợ xấu". Cái gọi là "nợ tốt" có thể xuất phát từ các khoản vay sinh viên hoặc thế chấp của bạn, đóng vai trò trong việc xây dựng khối tài sản lâu dài. "Nợ xấu", mặt khác, phổ biến nhất là từ thẻ tín dụng với lãi suất cao.
Nhưng bằng cách tách nợ như vậy, thật dễ dàng để tự hợp lí hóa và lừa dối bản thân rằng đó là một khoản nợ tốt. Đúng là một số món nợ đỡ tệ hơn các loại khác nhưng khôn ngoan nhất là cố gắng tránh nợ nần hoàn toàn. Chỉ bằng giữ thái độ "tất cả các khoản nợ đều xấu", bạn sẽ chấm dứt được thói quen vay tiền bừa bãi.
2. "Tôi sẽ kiếm được lợi nhuận X%"
Khi chúng ta đặt tiền vào thị trường chứng khoán, chúng ta thường cho rằng nó nhất định sẽ tạo ra một số tiền lãi nhất định, dựa trên mức trung bình hiện tại. Nhận thức được mức lợi nhuận trong quá khứ để hiểu tiềm năng của thị trường chứng khoán là rất tốt nhưng bạn phải nhớ rằng hiệu quả trong quá khứ không đảm bảo kết quả trong tương lai.
Điều quan trọng là phải có một hiểu biết thực sự về việc các khoản đầu tư của bạn đang hoạt động như thế nào thay vì tự lừa dối bản thân về khoản lợi nhuận chưa nắm được. Thornburg Investments đã đưa ra một báo cáo vào năm 2014 phác thảo cách S&P 500 Index kiếm được 11% lợi nhuận danh nghĩa hàng năm trong 30 năm liên tiếp nhưng khoản lợi nhuận đó thực sự chỉ là 6% sau khi trừ thuế, phí và lạm phát.
3. "Tôi sẽ bắt đầu tiết kiệm sau"
Chúng ta luôn nói với bản thân mình rằng chúng ta có nhiều thời gian và nhiều năm tới trước khi cần bắt đầu tiết kiệm tiền. Nhưng trước khi chúng ta biết điều đó, tuổi nghỉ hưu đã gần kề hoặc một trường hợp khẩn cấp nào đó ập tới và chúng ta hầu như không chuẩn bị trước.
Bởi chúng ta đã trì hoãn, đã bỏ lỡ sức mạnh của lợi nhuận gộp. Thật dễ dàng để đưa ra lý do không tiết kiệm tiền nhưng rất ít trong số đó là hợp lệ. Hãy coi quỹ tiết kiệm cá nhân là hóa đơn đầu tiên bạn cần trả mỗi tháng và bạn sẽ không còn lo lắng khi ngừng làm việc vì lí do nào đó.
4. "Tôi sẽ kiếm được nhiều hơn trong tương lai"
Khi lập kế hoạch cho tương lai, chúng ta thường làm tốt công việc dự đoán chi phí nhưng lại giả định sai lầm rằng thu nhập của mình sẽ tăng lên. Nhiều người mua những ngôi nhà giá trị lớn hơn mức họ thực sự có thể chi trả, biện minh cho chi phí bằng cách lập luận rằng họ sẽ được tăng lương trong thời gian tới.
Tất cả chúng ta đều muốn cho rằng bản thân sẽ kiếm được nhiều tiền hơn khi thời gian trôi qua nhưng không có gì đảm bảo điều đó. Công ty của bạn có thể đóng băng tiền lương hoặc thậm chí sa thải công nhân. Bạn có thể quyết định ngừng làm việc để chăm sóc gia đình. Để đạt được tự do tài chính, hãy làm việc để đảm bảo chi tiêu của bạn thấp hơn thu nhập thực tế hiện tại. Bằng cách này, bất kỳ khoản tăng lương nào bạn nhận được đều giống như tiền thưởng.
5. "Tôi không đủ tiền đầu tư"
Nếu bạn có tiền cho cốc cà phê trong Starbucks, thì bạn có tiền để đầu tư. Nếu bạn có tiền cho Netflix, những đôi giày mới đắt tiền, một bữa ăn trong nhà hàng 5 sao, bạn có tiền để đầu tư. Chìa khóa cho tự do tài chính cuối cùng là những gì chúng ta chọn để tiêu tiền. Và nếu bạn ưu tiên tiết kiệm dài hạn hơn là mua hàng hóa vật chất không thiết yếu, bạn sẽ thấy rằng bạn có nhiều tiền để đầu tư hơn bạn nghĩ.
6. "Tôi xứng đáng với điều này"
Một cách phổ biến khiến nhiều người mua sắm lãng phí là tự hợp lý hóa việc mua những thứ họ không cần. Những thứ như một bữa tối đắt tiền hay thậm chí là một kỳ nghỉ đắt đỏ ở nước ngoài thường kèm theo một lời tự giải thích như "Tôi đã làm việc chăm chỉ trong năm nay" hoặc "Tôi cần một kì nghỉ thư giãn". Điều này không có nghĩa là bạn không bao giờ nên phung phí hay ăn mừng nhưng nếu loại chi tiêu này trở thành thói quen, nó thực sự có thể khiến bạn phá sản. Nếu bạn thay đổi suy nghĩ và tự giới hạn bản thân để không mua hàng bốc đồng, bạn sẽ có lợi hơn về mặt tài chính.
7. "Tôi đã tiết kiệm được tiền khi mua món hàng này"
Bạn không bao giờ có thể tiết kiệm tiền nếu vẫn đang chi tiêu. Nếu bạn hợp lý hóa việc mua hàng bằng cách tự cho rằng món hàng đó đang giảm giá, đang tặng kèm, bạn dễ dàng bỏ qua thực tế là tiền vẫn rời khỏi ví. Hãy nhớ rằng các nhà bán lẻ tung ra các phiếu giảm giá và bán hàng để khuyến khích mọi người tiêu tiền. Cách duy nhất để xác định xem bạn có thực sự "tiết kiệm" tiền cho một mặt hàng hay không là tự hỏi đó có phải là thứ bạn thực sự cần hay không.
8. "Tôi đã được phê duyệt thẻ tín dụng này nghĩa là khoản nợ của tôi không quá tệ"
Nếu một công ty thẻ tín dụng đã cấp cho bạn một thẻ mới, họ chắc chắn phải đánh giá cao khả năng tài chính của bạn, phải không? Sai rồi. Ngay cả những người có lịch sử tín dụng khủng khiếp cũng có thể được chấp thuận cấp thẻ. Và nếu bạn đã có nợ thẻ tín dụng, điều cuối cùng bạn muốn làm là mở một thẻ mới cho phép bạn tiêu tiền nhiều hơn. Dù sự thật là các công ty thẻ tín dụng không muốn bạn phá sản nhưng họ rất vui khi tiếp tục chấp nhận khoản thanh toán với lãi suất cao của bạn.
9. "Tôi còn trẻ, tôi không cần bảo hiểm y tế"
Nếu bạn ở độ tuổi 20 và hiếm khi bị ốm, có vẻ như bảo hiểm y tế là một chi phí bạn không cần phải bận tâm. Nhưng hãy thử nói điều đó với người vừa gặp tai nạn giao thông hoặc một căn bệnh bất ngờ nào đó? Họ sẽ cho bạn thấy rằng nếu không có bảo hiểm y tế, bạn sẽ chi trả những khoản chi phí y tế khủng khiếp nhất. Hãy đăng ký bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm thân thể ngay lập tức và bạn sẽ không hối hận đâu.
10. "Tôi được trả lương cao nên công việc nhảm nhí này đáng giá"
Có rất nhiều câu chuyện về những người chịu đựng công việc mà họ ghét, đơn giản vì nó mang lại sự an toàn tài chính. Việc bảo đảm tài chính là rất quan trọng và nếu công việc bạn yêu thích tạm thời không thể có nguồn thu nhập đủ cho bạn thì cũng không có vấn đề gì.
Tuy nhiên, nếu bạn sống và chi tiêu hợp lí, bạn có thể tìm thấy một điểm trung gian nơi các hóa đơn được thanh toán và bạn cũng hạnh phúc trong công việc của mình. Cũng cần nhớ rằng, những công việc được trả lương cao đôi khi có thể dẫn đến lối sống lạm phát, khiến bạn mua những thứ lớn hơn và đắt tiền hơn chỉ vì bạn có thể.