|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Zalo từng bị nghi ngờ, phải minh bạch toàn bộ mã nguồn

14:20 | 09/09/2024
Chia sẻ
Đây là thông tin được ông Lê Hồng Minh - Sáng lập kiêm CEO VNG, chia sẻ nhân ngày thành lập công ty.

Trong bức thư gửi nhân viên đăng trên blog doanh nghiệp, ông Lê Hồng Minh cho biết giai đoạn 2019 Zalo đứng trước “rất nhiều áp lực và nghi ngờ từ các cơ quan quản lý”. VNG đã phải kiên trì làm việc và minh bạch hoá toàn bộ source code (mã nguồn) và hệ thống vận hành để khẳng định Zalo là sản phẩm của người Việt.

Đến nay, theo công bố, Zalo đã trở thành ứng dụng nhắn tin có số lượng người dùng nhiều nhất Việt Nam với 77 triệu người hoạt động ổn định hàng tháng. Số lượng tin nhắn gửi qua Zalo mỗi ngày đạt 1,9 tỷ tin. 

“Zalo trở thành ứng dụng tin nhắn số một Việt Nam vì Zalo kiên trì tập trung vào giá trị cốt lõi sản phẩm - nhanh, ổn định, an toàn, tiện dụng - và không bị áp lực kiếm tiền”, ông Minh nhận định.

 Mini App trên Zalo. (Ảnh: Diginext).

Zalo được VNG trình làng năm 2012, là ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí hoạt động trên nền tảng di động. Mô hình của Zalo tương tự WeChat - siêu ứng dụng có 1,3 tỷ người dùng hàng tháng thuộc sở hữu Tencent tại Trung Quốc.

Tencent cũng là nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào VNG bên cạnh Ant Group (thuộc Alibaba) cũng như GIC và Temasek của Singapore. Tuy nhiên, Tencent được chú ý hơn cả bởi vai trò của tập đoàn này không chỉ là cổ đông nắm quyền biểu quyết tại VNG Limited - đơn vị chi phối VNG Corporation (mã: VNZ), mà còn thể hiện mối quan hệ kinh doanh chặt chẽ giữa hai công ty. 

Theo hồ sơ gửi Uỷ ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) vào tháng 8 năm ngoái, Tencent nắm 23% tỷ lệ biểu quyết tại VNG Limited, chỉ đứng sau Nhà sáng lập Lê Hồng Minh (45%) và Phó Tổng Giám đốc Vương Quang Khải (6%).

Mối quan hệ chặt chẽ với Tencent giúp VNG có được quyền phát hành các tựa game hút khách sớm tại Việt Nam và thị trường nước ngoài như Đông Nam Á. Nhờ lợi thế đi đầu về các thể loại game nhập vai và sinh tồn, mảng phát hành game đóng góp phần lớn vào doanh thu VNG trong những năm qua, lần lượt chiếm tỷ lệ 80% và 92% trong năm 2022 và 2023. 

Riêng các trò chơi do Tencent và Kingsoft phát triển đã đóng góp lần lượt 30,6%, 40,7% và 29,4% vào tổng doanh thu của VNG qua các năm 2020, 2021 và 2022. Ngược lại, VNG cũng chi số tiền khủng để trả bản quyền cho các nhà phát triển, lần lượt 1.214,9 tỷ đồng, 1.818,4 tỷ đồng và 1.520,4 tỷ đồng trong các năm 2020, 2021 và 2022. 

Những con số cho thấy bóng dáng Tencent đóng góp vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của VNG. 

Trở lại với Zalo, nhiều năm qua nền tảng này đi theo con đường tương tự WeChat của Tencent. VNG muốn Zalo không chỉ là ứng dụng nhắn tin và gọi điện thông thường mà còn có thể tích hợp rất nhiều tính năng khác, biến nó thành một "siêu ứng dụng" phục vụ mọi nhu cầu hàng ngày của người dùng. 

Chẳng hạn người dùng có thể sử dụng Zalo để thanh toán, đặt đồ ăn, mua sắm trực tuyến, đặt vé máy bay, gọi taxi, chơi game, đọc tin tức…

Giống WeChat, Zalo cũng xây dựng hệ sinh thái Mini Program (chương trình con) cho phép người dùng truy cập và sử dụng nhiều dịch vụ khác nhau ngay trong nền tảng mà không cần phải tải xuống ứng dụng riêng biệt. Ngoài ra, Zalo cũng phát triển tính năng thanh toán di động ZaloPay.

Sau hai năm ra mắt Zalo, startup của ông Lê Hồng Minh được được World Start-up Report định giá 1 tỷ USD và trở thành "kỳ lân" công nghệ đầu tiên ở Việt Nam - điều này cho thấy vị trí của Zalo đối với hệ sinh thái VNG.

Đức Huy