|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Yêu cầu hoàn thành đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Dầu Giây trước 30/4/2023

23:00 | 06/12/2022
Chia sẻ
Bộ Giao thông Vận tải vừa có Thông báo số yêu cầu hoàn thành đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Dầu Giây trước 30/4/2023.

Một đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Bộ Giao thông Vận tải vừa có Thông báo số 512/TB-BGTVT thông báo Kết luận của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng tại đợt kiểm tra hiện trường các Dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, thời điểm thông xe kỹ thuật và khánh thành đưa các dự án vào khai thác không đổi: thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12/2022 và hoàn thành đưa vào khai thác các dự án trước ngày 30/4/2022.

Cụ thể, các đơn vị liên quan phải thông xe kỹ thuật toàn dự án trên lớp bê tông nhựa C.19 (bê tông hạt trung) và lắp đặt đầy đủ dải phân cách, phấn đấu tối đa thi công lớp bê tông nhựa C12.5 (bê tông hạt mịn). Việc đẩy nhanh tiến độ thi công phải đảm bảo quy trình, tiêu chuẩn theo quy định; đảm bảo chất lượng công trình, không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng công trình.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu lãnh đạo Ban Quản lý dự án 7, Ban Quản lý dự án Thăng Long phải thường trực tại hiện trường đến khi hoàn thành dự án để nắm bắt, chỉ đạo Tư vấn giám sát, các nhà thầu trong tổ chức thi công, kịp thời xử lý các vấn đề kỹ thuật phát sinh, đẩy nhanh tối đa thủ tục thanh toán các khối lượng thi công còn tồn đọng, đảm bảo dòng tiền cho các nhà thầu thi công.

Các nhà thầu thi công được yêu cầu căn cứ mục tiêu hoàn thành, khối lượng còn lại phải thực hiện để huy động mọi nguồn lực (tài chính, thiết bị, máy móc, dây chuyền thi công…) phục vụ thi công; lập tiến độ thi công chi tiết từng ngày cho các khối lượng phải thực hiện; trong đó phải dự trù các điều kiện bất lợi như thời tiết, tính toán chi tiết tiến độ của các hạng mục đường găng, có các giải pháp để thi công bù tiến độ đối với khối lượng chậm của các ngày trước đó…). Các nhà thầu khắc phục bất lợi về thời tiết, thi công liên tục 3 ca 4 kíp/ngày để đảm bảo mục tiêu thông xe kỹ thuật và hoàn thành dự án theo đúng tiến độ yêu cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, các nhà thầu chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ Giao thông Vận tải về tiến độ triển khai các dự án; Bộ Giao thông Vận tải sẽ xem xét không cho tham gia thực hiện các Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đối với các nhà thầu không thực hiện đúng cam kết.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các nhà thầu, người đứng đầu ngành giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận chỉ đạo Sở Xây dựng công bố chỉ số giá xây dựng đảm bảo sát với biến động của thị trường để các Ban quản lý dự án thực hiện việc điều chỉnh giá.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây là công trình trọng điểm quốc gia, theo chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội, các dự án phải hoàn thành vào cuối năm 2022 nhưng đến nay tiến độ chậm so với yêu cầu, khối lượng thi công còn lại rất lớn trong khi thời gian thi công rất ngắn.

Ngoài các nguyên nhân khách quan do khó khăn về vật liệu, tình hình dịch COVID-19, ảnh hưởng thời tiết bất lợi cũng như giá cả vật liệu leo thang còn có nguyên nhân chủ quan. Đó là nhà thầu chưa chủ động tìm kiếm nguồn vật liệu (trong năm 2021 chỉ thi công các hạng mục công trình cầu, cống là chủ yếu).

Việc tổ chức điều hành của nhà thầu còn chưa khoa học, chưa có sự quan tâm thỏa đáng của lãnh đạo cấp cao của các nhà thầu đối với tiến độ dự án, đặc biệt là việc huy động nguồn lực tài chính, chưa có sự phối hợp hỗ trợ giữa các đơn vị thi công.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Giao thông Vận tải đã phân cấp, ủy quyền toàn bộ thẩm quyền của chủ đầu tư cho Ban quản lý dự án trong quản lý hợp đồng. Tuy nhiên, việc xử lý các nhà thầu yếu kém còn chậm; đồng thời, việc thực hiện các nội dung chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến công tác tổ chức thi công, điều hành công trường của các đơn vị chưa nghiêm túc và triệt để (về huy động máy móc, tăng mũi thi công, xử lý các vướng mắc, đẩy nhanh công tác thanh toán…), đặc biệt là nguồn lực tài chính.

“Do vậy, việc chậm tiến độ thi công các gói thầu trách nhiệm đầu tiên là của các nhà thầu và công tác điều hành của Ban quản lý dự án 7, Ban quản lý dự án Thăng Long”, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.

Cao tốc Bắc – Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài 100,8 km, được khởi công tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành tháng 12/2022. Đến giữa tháng 10/2022, sản lượng thực hiện đạt 47,74% giá trị hợp đồng, chậm 5,3% so với kế hoạch điều chỉnh (tương đương chậm 11,8% so với kế hoạch đăng ký tại thời điểm tháng 3/2022).

Đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km, được khởi công tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành tháng 12/2022. Đến giữa tháng 10/2022, sản lượng thực hiện đạt 53% giá trị hợp đồng, chậm 1,33% so với kế hoạch điều chỉnh, tương đương chậm 11,83% so với kế hoạch đăng ký tại thời điểm tháng 1/2022.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Quang Toàn

Khai thông rào cản đầu tư, Việt Nam sẽ bứt phá trong thu hút làn sóng FDI mới
GDP của Việt Nam đã tăng dần trong những năm gần đây. Nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ qua trong khu vực. Phân tích GDP theo ngành, sản xuất chế tạo là một trong những lĩnh vực đóng góp chính cho GDP của Việt Nam, chiếm khoảng 25% GDP và là ngành lớn nhất trong cơ cấu kinh tế Việt Nam.