|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Yêu cầu Bộ TN&MT giải trình trách nhiệm sự cố môi trường biển miền Trung

14:33 | 21/12/2016
Chia sẻ
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường giải trình, làm rõ về 7 nhiệm vụ quá hạn, đồng thời giải trình, làm rõ thêm 7 vấn đề lớn khác trong đó có sự cố môi trường biển miền Trung.
yeu cau bo tnmt giai trinh trach nhiem su co moi truong bien mien trung
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, ngày 21/12, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã kiểm tra Bộ TN&MT về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.

Theo đó, từ đầu năm tới nay, Chính phủ, Thủ tướng đã giao Bộ 596 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 501 nhiệm vụ, còn lại 92 nhiệm vụ chưa hoàn thành (85 nhiệm vụ trong hạn và 7 nhiệm vụ quá hạn). Đồng thời, Bộ có 2 đề án được rút ra khỏi chương trình, 1 đề án được Thủ tướng giao lại Bộ Công Thương.

Qua Tổ công tác, Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT giải trình, làm rõ về 7 nhiệm vụ quá hạn, đồng thời giải trình, làm rõ thêm 7 vấn đề lớn khác.

Thứ nhất, Bộ được yêu cầu giải trình về sự cố môi trường biển gây thiệt hại vô cùng lớn tại 4 tỉnh miền Trung. Tổ công tác cho biết, ngày 15 - 16/12, đã kiểm tra Hà Tĩnh, Quảng Bình, 2 trong 4 địa phương chịu thiệt hại nặng nhất. Hai địa phương đã tiêu hủy toàn bộ số hải sản nhiễm độc, nhưng vẫn còn khoảng 3.700 tấn hải sản tồn kho tuy không nhiễm độc nhưng bảo quản đã lâu, vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên một phần đã bị xuống cấp.

"Thủ tướng đã giao Bộ TN&MT kiểm tra, xem xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc cấp phép xả thải, đánh giá tác động môi trường dự án… Việc này đã làm đến đâu”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.

Thứ hai, Thủ tướng yêu cầu Bộ làm rõ về công tác dự báo, cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lũ... - đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp hiện nay.

Vấn đề thứ ba là công tác quản lý nhà nước về môi trường. Chính phủ đã đặt vấn đề phát triển bền vững lên hàng đầu, không kêu gọi đầu tư bằng mọi giá, không đánh đối bất cứ thứ gì lấy môi trường. Tuy nhiên, gần đây có nhiều hiện tượng như cá chết ở nhiều nơi, ô nhiễm tại các làng nghề, cụm công nghiệp, vấn đề xả thải tại các dự án…

“Thủ tướng cho rằng đây là việc cần làm lâu dài, nhưng trong các vấn đề trên phải có thái độ rất sớm của cơ quan quản lý. Quá trình cấp phép đúng quy trình nhưng quan trọng là hiệu quả của quy trình đó thế nào, cần xem xét nghiêm túc”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng.

Vấn đề thứ tư, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Bộ quan tâm tới vấn đề chính sách đất đai, quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là vấn đề tích tụ ruộng đất. "Không thể tiến hành công nghiệp hóa, không thể có nông nghiệp công nghệ cao nếu diện tích đất đai nhỏ lẻ, manh mún. Bộ cần sớm đề xuất cơ chế, chính sách cho vấn đề này", Tổ công tác yêu cầu.

Cùng với đó, Tổ công tác cũng lưu ý Bộ quan tâm tới các vấn đề mà báo chí đã phản ánh như sổ đỏ in nhiều nhưng lại nằm trong tủ của cán bộ địa chính địa phương, người dân đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải có chi phí không chính thức…

Thứ năm, Thủ tướng yêu cầu công khai minh bạch công tác quản lý tài nguyên khoáng sản. Đặc biệt trong việc đánh giá trữ lượng các mỏ khoáng sản quý, sản xuất, chế biến, gây thất thoát ngân sách.

Thứ sáu, theo Tổ công tác, vừa qua Thủ tướng, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trước tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông, gây sụt lở, ảnh hưởng tới đời sống người dân. Tuy nhiên, việc quản lý của Bộ vẫn chưa tốt.

Cuối cùng, Tổ công tác cho rằng xây dựng đội ngũ cán bộ tốt không chỉ ở Bộ mà còn cả ở cơ sở. Vai trò của cán bộ địa chính ở cơ sở là rất quan trọng đối với các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài phần lớn liên quan tới đất đai. Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thái Hoàng