Ý định thư Việt Nam - Nepal được kí kết, 'bước đệm' hình thành một FTA mới
Sáng ngày 11/5, tại trụ sở Chính phủ, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nepal Sharma Oli, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã cùng với Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Thương mại và Cung ứng Nepal kí Ý định thư về việc đàm phán Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư giữa Việt Nam và Nepal.
Trong Ý định thư, hai bên bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác, tiến tới đàm phán và kí kết một Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư, nhằm tạo khung khổ pháp lí, cho các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại – đầu tư giữa hai nước hiện vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Nepal năm 2018 đạt 26,7 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nepal đạt 21,4 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nepal đạt 0,3 triệu USD.
Các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu chủ yếu gồm điện thoại di động và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, nông sản. Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu từ Nepal gồm hương liệu, nguyên phụ liệu dệt may, da giày…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã cùng với Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Thương mại và Cung ứng Nepal kí Ý định thư về việc đàm phán Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư giữa Việt Nam và Nepal vào ngày 12/5.
Trước đó, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Nepal diễn ra ngày 11/5 tại Hà Nội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng vẫn còn nhiều tiềm năng để hai bên tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Cụ thể, về thương mại, mặc dù con số tuyệt đối kim ngạch thương mại hai chiều còn nhỏ, nhưng thực tế còn nhiều cơ hội và dư địa lớn cho tăng trưởng thương mại giữa hai nước. Cơ cấu xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn có thể bổ sung, tương hỗ cho nhau.
Về đầu tư, hiện nay hợp tác đầu tư giữa hai nước còn hạn chế, tuy nhiên còn nhiều tiềm năng phát triển đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp như may mặc, thiết bị điện, chế biến nông sản, thực phẩm; năng lượng; thủy điện; viễn thông; và đặc biệt là hợp tác trong ngành công nghiệp du lịch.
Theo đó, Việt Nam đã giới thiệu về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài.
Đại diện Nepal cũng cho biết, Nepal đang tiến hành chính sách đầu tư theo hướng cởi mở hơn nhằm tạo lập môi trường pháp lý thân thiện, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài và kêu gọi các nhà đầu tư của Việt Nam quan tâm, tìm hiểu và đầu tư vào Nepal.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn gia tăng, việc hai bên hoàn thiện khuôn khổ pháp lí cũng như tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp sẽ giúp hai nền kinh tế Việt Nam – Nepal xích lại gần nhau hơn và khắc phục tốt hơn những bất lợi, khó khăn trong môi trường thương mại toàn cầu.