Kỳ vọng xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới
Hoạt động thương mại của Việt Nam trong quý I/2021 ghi nhận mức tăng trưởng khá cao bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2021 ước tính đạt 152,6 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong quý I/2021 đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng trưởng tương đối cao so với các nền kinh tế khác trong khu vực châu Á.
Trong quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020 có thể kể đến như: Cao su tăng 116,5%, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 77,2%, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 70,3%, sắt thép và chất dẻo nguyên liệu tăng hơn 65%...
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong quý I/2021 ước đạt 75,3 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa quý I/2021 ước tính xuất siêu 2,03 tỷ USD.
(Nguồn: Tổng cục Hải quan. Tổng hợp: Ngọc Bảo)
Với những kết quả khả quan đạt được trong quý I/2021, giới chuyên gia kinh tế lạc quan trước triển vọng xuất khẩu trong thời gian tới.
Theo đó, kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn phục hồi rõ nét nhờ việc triển khai mạnh mẽ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cũng như sự hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ.
Thực tế cho thấy, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc… đang có xu hướng tăng trở lại.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Mỹ trong tháng 1/2021 đã tăng 1,2% so với tháng 12/2020 và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 260,16 tỷ USD.
Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hàng hóa của nước trong 2 tháng đầu năm 2021 tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 365,6 tỷ USD.
Còn theo số liệu của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, nhập khẩu hàng hóa của Hàn Quốc trong 2 tháng đầu năm 2021 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 86,5 tỷ USD.
Các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, UKVFTA được thực thi một cách đầy đủ và toàn diện hơn, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong quý I/2021 tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 9,6 tỷ USD.
Thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao đạt kết quả tích cực. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/3, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhiều ngành hàng chủ lực sẽ bước vào mùa cao điểm xuất khẩu trong quý II và quý III.
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi thì xuất nhập khẩu vẫn có những khó khăn nhất định khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu.
Trong khi đó, chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Triển vọng nhập khẩu trong thời gian tới cũng được đánh giá tích cực trước sự mở rộng của hoạt động sản xuất trong nước cũng như sự phục hồi của tiêu dùng nội địa.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ngành công nghiệp quý 1/2021 đạt mức tăng khá 6,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,45% cao hơn tốc độ tăng 7,12% của cùng kỳ năm trước và đóng góp 2,37 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước cho thấy cầu tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại.
Tính chung quý I/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.291,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,4%.