|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu vải thiều sang Nhật, doanh nghiệp lo nhất là thời gian vận chuyển

07:21 | 11/05/2021
Chia sẻ
Ngoài vấn đề chất lượng, năm nay chi phí vận chuyển tăng hơn năm ngoái ở cả hàng không và đường biển cũng là vấn đề lo ngại của doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, để thuận lợi cho xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản trong năm nay, đến nay Sở đã mời gọi được 5 doanh nghiệp tham gia thu mua và xuất khẩu vải thiều.

Các doanh nghiệp gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ;  Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu và Công ty Bamboo. 

Hiện tại các doanh nghiệp đã tiến hành khảo sát vùng trồng, đang chuẩn bị các điều kiện đàm phán, ký kết hợp đồng thu mua vải với nông dân thuộc các mã số vùng trồng.

Trong đó, dự kiến Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu sẽ là đơn vị xuất khẩu lô vải đầu tiên sang thị trường Nhật Bản (vải sớm Tân Yên). 

Chia sẻ với người viết, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết: "Ngay từ đầu vụ công ty đã kết nối với vùng nguyên liệu của bà con nông dân và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang để chuẩn bị cho vụ xuất khẩu. Năm nay Chánh Thu dự kiến xuất khẩu sang Nhật Bản hơn 200 tấn vải thiều, so với năm ngoái chỉ khoảng 60-70 tấn". 

Theo bà Vy năm nay Nhật Bản sẽ không cử chuyên gia sang như năm đầu tiên mà giao cho phía Việt Nam tự chịu trách nhiệm phần kiểm dịch. 

"Khi họ đã tin tưởng giao thì việc giám sát của phía Việt Nam càng phải nghiêm ngặt hơn vì hàng khi xuất qua đến Nhật sẽ được thị trường kiểm tra lại và chắc chắn sẽ gắt gao hơn năm rồi", bà Vy lưu ý.

Ngoài vấn đề chất lượng, năm nay chi phí vận chuyển tăng hơn năm ngoái ở cả hàng không và đường biển cũng là vấn đề lo ngại của doanh nghiệp xuất khẩu vải.

"Quan trọng nhất là lựa chọn được tuyến tàu vận chuyển ngắn ngày nhất để phù hợp xuất hàng đi. Đây là vấn đề lo nhất của doanh nghiệp vì chi phí tăng là một phần nhưng thời gian vận chuyển cũng là điều rất quan trọng vì thời gian bảo quản của vải khá ngắn", đại diện Công ty Chánh Thu chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo đơn vị này thời điểm vải của Đài Loan kết thúc sớm nên vải của Việt Nam sẽ tiềm năng hơn tại thị trường Nhật Bản, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự hợp tác với nhau để giữ giá xuất khẩu tốt hơn giữa bối cảnh khó khăn của dịch bệnh và chi phí vận chuyển tăng cao.

Năm 2020, tỉnh Bắc Giang đã xuất khẩu được khoảng 200 tấn vải thiều sang Nhật Bản và được người tiêu dùng nước này rất ưa chuộng khi lần đầu tiên vải thiều Việt Nam đến Nhật.

Năm nay toàn tỉnh có 30 mã số vùng trồng vải thiều với diện tích gần 220 ha, 260 hộ dân tham gia, sản lượng ước khoảng 1.800 tấn. Diện tích này tập trung tại các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Tân Yên. Dự báo thời gian thu hoạch vải sớm từ ngày 20/5, vải chính vụ từ ngày 10/6 đến 20/7.

Ngay sau "phát súng" đầu tiên thành công sang thị trường Nhật Bản hồi năm 2020, mới đây, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản đã cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với Vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Trước đó, vải thiều cũng đã bảo hộ thành công nhãn hiệu tại Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia và được tiêu thụ tại nhiều nước trên thế giới.

Với việc được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Nhật Bản và mở rộng tiêu thụ vào các thị trường khác.

Như Huỳnh