Xuất khẩu tôm tiếp tục tăng
XK tôm 7 tháng đầu năm nay vẫn duy trì được đà đi lên là nhờ nhu cầu từ các thị trường chính tăng trưởng khá cộng với giá tôm thế giới có xu hướng tăng do nguồn cung giảm.
Tính tới tháng 7 năm nay, tôm Việt Nam được XK sang 76 thị trường trong đó top 10 thị trường chính bao gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan, Thụy Sỹ. XK sang các thị trường chính đều tăng trưởng dương như Mỹ tăng 16,3%; EU tăng 6%; Trung Quốc tăng 38%; Hàn Quốc tăng 9,3% trừ Nhật Bản giảm 8,2%. XK sang các thị trường nhỏ hơn giảm từ 2,5%-28,6%.
Giá trị XK tất cả các sản phẩm tôm chân trắng và tôm sú đều tăng trừ tôm sú sống/tươi/đông lạnh (HS 03) giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cơ cấu XK tôm 7 tháng đầu năm nay, tỷ trọng tôm chân trắng XK tăng 1,5%; tỷ trọng tôm sú giảm 1,2% và tôm biển giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2015. Tỷ trọng tôm sú XK thấp hơn một phần do nguồn cung loài này giảm do hạn hán và xâm nhập mặn.
Trong tổng giá trị tôm XK, XK tôm khác đóng hộp giảm mạnh nhất 60% tuy nhiên mặt hàng này chỉ chiếm giá trị XK khiêm tốn trên 1,7 triệu USD.
Mỹ vẫn duy trì đà tăng trưởng trong NK tôm từ Việt Nam do nhu cầu thị trường này tăng trong khi các nguồn cung khác cho Mỹ như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Thái Lan đều gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu dẫn tới giá XK tăng. Mỹ cũng đang tăng nhu cầu NK tôm sú trong khi sản lượng thu hoạch tôm sú ở Ấn Độ và Indonesia đều giảm. Hiện cũng là thời điểm các nhà hàng và các hãng bán lẻ ở Mỹ tung ra các chiến lược quảng cáo, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ tôm của người tiêu dùng. XK tôm Việt Nam sang Mỹ 7 tháng đầu năm nay đạt 364,8 triệu USD; tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
XK tôm Việt Nam sang EU 7 tháng đầu năm nay đạt 315,9 triệu USD; tăng 6%. Tồn kho tại EU hiện còn ít, nhu cầu NK tôm sú tăng mạnh trong khi các nguồn cung tôm sú từ Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia cho thị trường này sụt giảm do thời tiết bất lợi ảnh hưởng tới sản xuất.
Trong khối EU, nhu cầu NK tôm nước ấm vào Anh vẫn cao do nguồn cung tôm nước lạnh giảm và giá cao. XK tôm sang Anh giai đoạn này tăng 6,6%. Đáng chú ý trong tất cả các thị trường thuộc khối, XK tôm sang Hà Lan tăng cao nhất 25% so với 7 tháng đầu năm 2015.
XK tôm sang Trung Quốc 7 tháng đầu năm nay đạt 249,2 triệu USD; tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu NK tôm từ Trung Quốc đang tăng rất mạnh do nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng, thu nhập người dân tăng và nguồn cung tôm nội địa sụt giảm mạnh.
Năm ngoái, Trung Quốc NK 300.000 tấn tôm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tôm tươi và tôm chế biến của thị trường trong nước. Xu hướng tăng NK tôm của thị trường Trung Quốc dự kiến vẫn tiếp tục trong thời gian tới.
XK tôm sang Nhật Bản tính tới tháng 7 năm nay đạt 283,8 triệu USD; giảm 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. XK sang thị trường này đi xuống do nhu cầu giảm trong bối cảnh giá NK tôm vào Nhật Bản tăng mặc dù đồng yên lên giá. Nhu cầu NK tôm của Mỹ, Trung Quốc và một số thị trường tiêu thụ khác tăng trong khi nguồn cung nguyên liệu từ các nước sản xuất thu hẹp khiến giá tôm NK trên thị trường Nhật Bản tăng.
Mặc dù vẫn phải đối mặt với những bất lợi về thời tiết trong sản xuất nguyên liệu, XK tôm Việt Nam trong các tháng tới dự kiến tiếp tục tăng.
Kim Thu
Theo Vasep