|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu tôm sang EU phục hồi sau hai tháng giảm sâu

10:58 | 28/05/2024
Chia sẻ
Trong tháng 4 năm nay, xuất khẩu tôm sang EU khá sôi động. Giá trị xuất khẩu sang các thị trường đơn lẻ chính trong khối đều tăng trưởng 2 con số.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU sau 2 tháng giảm sâu, đã phục hồi tăng trưởng trở lại trong tháng 4. EU là thị trường nhập khẩu chính ghi nhận tăng trưởng tốt nhất trong tháng 4 năm nay.

Xuất khẩu tôm sang EU đạt 38 triệu USD trong tháng 4 năm nay, tăng 28% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu đạt 119 triệu USD, gần như tương đương với cùng kỳ năm ngoái.

 Nguồn: VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Trong tháng 4 năm nay, xuất khẩu tôm sang EU khá sôi động. Giá trị xuất khẩu sang các thị trường đơn lẻ chính trong khối đều tăng trưởng 2 con số. Xuất khẩu sang Đức, Hà Lan và Bỉ tăng lần lượt 29%, 37% và 39%, xuất khẩu sang Đan Mạch tăng mạnh 88%.

 

Năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU giảm đáng kể so với năm 2022. Căng thẳng Nga-Ukraine, người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm, vật giá tăng, xăng dầu tăng, đồng EUR mất giá là những nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ tại thị trường này chậm.

Trên thị trường EU, tôm Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với tôm Ecuador. Ecuador có lợi thế tôm giá rẻ, đáp ứng xu thế người tiêu dùng EU là tôm có chứng nhận ASC, lại có chi phí vận chuyển thấp hơn. Ecuador hiện vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất cho thị trường EU.

Thị trường EU đòi hỏi tôm nuôi đạt chuẩn an toàn (ASC), bên cung ứng phải có giải pháp giảm phát thải (nuôi, chế biến), truy xuất nguồn gốc tận gốc (thành phần thức ăn tôm, tôm bố mẹ…),  phúc lợi động vật (tôm bố mẹ không cắt mắt khi sinh sản nhân tạo, nuôi mật độ vừa phải…). VASEP cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào thị trường này cần có chiến lược tiếp cận thị trường bài bản hơn, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá tiếp thị hình ảnh sản phẩm của mình.

Ở Tây Bắc Âu (gồm các thị trường như Đức, Hà Lan, Bỉ…), các thị trường này đang có xu hướng chuyển đổi sang các dạng sản phẩm tôm tiện lợi hơn, sản phẩm tôm giá trị gia tăng.

Trong khi ở Nam Âu bao gồm các thị trường Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, Pháp..., giá cả đóng vai trò quan trọng trong việc xác định động lực thị trường. Nên các sản phẩm tôm chân trắng có giá phải chăng sẽ được ưa chuộng nhiều hơn.

"Với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự kiến ​​​​là khoảng 7% trong những năm tới, EU cũng là một thị trường tiêu thụ tôm mang lại nhiều cơ hội. Quan trọng là việc thích ứng với sự thay đổi của động lực thị trường và đổi mới sản phẩm để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường này", VASEP nhận định.

H.Mĩ