|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu thép bắt đầu giảm sau cú tăng phi mã hồi tháng 3

14:57 | 18/05/2021
Chia sẻ
Lượng thép xuất khẩu trong tháng 4 giảm 17% so với tháng 3 xuống hơn 1 triệu tấn. Kim ngạch cũng giảm 14% xuống 770 triệu USD.

Xuất khẩu thép bắt đầu chững lại

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, xuất khẩu sắt thép các loại trong tháng 4 bắt đầu chững lại. 

Theo đó, lượng thép xuất khẩu giảm 17% so với tháng 3 xuống hơn 1 triệu tấn. Kim ngạch cũng giảm 14% xuống 770 triệu USD. 

Mặc dù xuất khẩu thép trong tháng 4 chậm lại nhưng tính chung trong 4 tháng đầu năm, lượng thép xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 50% lên 3,9 triệu tấn và kim ngạch tăng trưởng gần gấp đôi với cùng kỳ năm ngoái đạt gần 2,8 tỷ USD. 

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, xuất khẩu thép cuộn cán nóng trong 4 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh nhất tới 277% lên hơn 162 nghìn tấn. Tiếp đến là tôm mạ kim loại và sơn phủ màu với mức tăng 217%. 

Xuất khẩu thép tháng 4 bắt đầu chững lại - Ảnh 1.

Xuất khẩu thép trong vòng 1 năm trở lại đây. (Số liệu: Tổng Cục Hải quan, Tổng hợp: Đức Quỳnh)

Trong quý I, ASEAN, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đạt 1,18 triệu tấn, tương đương với trị giá 802 triệu USD, giảm nhẹ về lượng xuất khẩu nhưng tăng 25,26% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 đạt 571,5 ngàn tấn tương đương với trị giá 299 triệu USD, tăng 88% về lượng và tăng 136% về trị giá so với cùng kỳ 2020, chiếm 14,62% tỷ trọng xuất khẩu thép quý I.

Theo quan điểm của Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (MASVN), ngành thép toàn cầu sẽ phục hồi trong năm 2021 cùng với một loạt chính sách kích cầu hạ tầng. Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này.

Tuy nhiên, điều cần lưu ý là sản lượng xuất khẩu thép sang thị trường Trung Quốc đang tăng rất mạnh, đồng nghĩa rủi ro cũng tăng theo nếu nước này thay đổi chính sách nhập khẩu phôi thép và các sản phẩm thép đến từ Việt Nam.

Bộ Công Thương cho rằng, trong bối cảnh làn sóng phòng vệ thương mại từ Mỹ và EU đối với việc hạn chế xuất khẩu các sản phẩm thép của Trung Quốc vào các thị trường trên sẽ tiếp tục gây áp lực cho thị trường ASEAN và Việt Nam.

Việt Nam có vị trí gần Trung Quốc nên áp lực từ cạnh tranh với các sản phẩm thép xuất và nhập khẩu từ Trung Quốc có thách thức hết sức lớn, các sản phẩm xuất khẩu thép Việt Nam sẽ phải đối diện với bảo hộ sản phẩm thép của các quốc gia trên toàn cầu nên việc xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn.

Sản xuất thép tháng 4 giảm nhẹ

Cùng với xuất khẩu, sản xuất thép các loại trong tháng 4 đạt khoảng 2,8 triệu tấn tấn, giảm 4,7% so với tháng trước nhưng tăng 52,2% so với cùng kỳ 2020. 

Đặc biệt, sản lượng sản xuất và bán hàng thép xây dựng tháng 4/2021 tiếp tục duy trì ở mức sản lượng cao trong vòng 5 năm trở lại đây. 

Nhu cầu thép trong nước tốt. Các Bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam. 

Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 4 và 4 tháng năm nay đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2017-2021.

Tồn kho thời điểm 30/4/2021 là 480.003 tấn. Đây là mức tồn kho tương đối thấp so mức tồn kho trung bình trong những năm gần đây, để gối đầu tiêu thụ các tháng tiếp theo.

H.Mĩ

Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% có khả thi?
Theo TS, Võ Trí Thành, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% trong năm 2025 là không dễ dàng khi những đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu dự báo là tăng trưởng thấp hơn năm 2024. Đặc biệt, những chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể cản trở mạnh mẽ đến gia tăng thương mại toàn cầu thế giới, trong đó có Việt Nam.