|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu sang thị trường EAEU: Nông lâm sản Việt Nam khó hưởng lợi

12:53 | 15/10/2016
Chia sẻ
Sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Á - Âu (EAEU) có hiệu lực, ba nhóm hàng thủy sản, dệt may, da giày-túi xách sẽ hưởng thuế suất 0%, trong khi đó nông lâm sản là nhóm hàng được hưởng lợi nhỏ.
xuat khau sang thi truong eaeu nong lam san viet nam kho huong loi
Nông lâm sản là nhóm hàng được hưởng lợi nhỏ khi hiệp định thương mại giữaViệt Nam và EAEU có hiệu lực (Nguồn: IT)

Nông lâm sản hưởng lợi nhỏ

Theo Cục Xuất nhập khẩu, hiện nay có khoảng 938 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang Liên minh EAEU. Trong đó có khoảng 200 doanh nghiệp có kim ngạch lớn, chiếm 90% tổng xuất khẩu với các mặt hàng chính thủy sản, cà phê, cao su, chè, gạo, hạt điều, hạt tiêu, dệt may, giày dép, gỗ, bánh kẹo các loại.

Trong nhóm Liên minh, Nga là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này đạt gần 1,05 tỷ USD, tăng 12,8%, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.

Theo đó, giá trị xuất khẩu cà phê đạt 79,9 triệu USD, tăng 11,5 %; hạt tiêu đạt 25 triệu USD, tăng 26,4 %; hạt điều tăng 56,1 %, đạt 21,5 triệu USD.

Theo nguồn tin từ Chính phủ, đối với mặt hàng gạo là nông sản chủ lực của Việt Nam, EAEU chỉ cho Việt Nam mức hạn ngạch xuất khẩu là 10.000 tấn/năm với thuế suất 0% và áp dụng mức thuế suất tối huệ quốc (MFN) ngoài hạn ngạch thay vì 0%. Như vậy lợi thế cho gạo là không nhiều, bên cạnh đó nhu cầu của các nước thuộc Liên minh tùy theo sản lượng hàng năm, không theo quy luật ổn định.

Trong 7 tháng đầu năm, Nga vẫn là thị trường xuất khẩu chè lớn thứ ba của Việt Nam, tăng 5,26% về lượng và giảm 3,16% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Tổng cục Hải Quan.

Tuy nhiên với mặt hàng này, hiệp định không cam kết giảm thuế đối với chè xanh đóng gói dưới 3 kg.

Cà phê, hồ tiêu chỉ áp dụng thuế 0% với nguyên liệu thô từ Việt Nam. Những mặt hàng thế mạnh của Việt Na nếu muốn xuất khẩu mang lại giá trị cao thì phải chế biến sâu. Tuy nhiên, thuế 0% chỉ áp dụng ở những sản phẩm thô, còn chế biến sâu sẽ không được hưởng lợi.

Đại diện Hiệp hội Cà phê Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang có xu hướng giảm xuất cà phê thô, tăng xuất sản phẩm đã qua chế biến để tăng giá trị gia tăng sản phẩm. Tuy nhiên, những ưu đãi thuế tại thị trường trên chỉ ưu tiên cho sản phẩm cà phê xuất khẩu thô.

Đối với các sản phẩm gỗ mức thuế giảm từ 15% xuống 0% đồng thời áp dụng cơ chế phòng vệ đặc biệt với nhóm đồ gỗ Việt Nam đang có thế mạnh như đồ gỗ trong nhà bếp, phòng ngủ, phòng khách, văn phòng.

Theo đó, nếu xuất khẩu dưới hạn mức trong danh mục sẽ được hưởng thuế suất 0%; nếu trên hạn mức sẽ bị điều tra tác động thị trường nội địa và có thể áp dụng mức thuế MFN hiện hành.

Doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm sản của Việt Nam vẫn có điều kiện thâm nhập khu vực EAEU tuy nhiên mức tăng trưởng có thể không cao do bị khống chế bởi cơ chế phòng vệ đặc biệt.

Thủy sản hưởng thuế suất 0%

Theo tin từ chính phủ, mức thuế suất thuế nhập khẩu thủy sản vào Liên minh sẽ giảm từ 10% xuống còn 0%, trong đó có nhóm hàng thủy sản chế biến của Việt Nam.

Về xuất xứ nguồn hàng thủy sản, Việt Nam đã đạt được quy tắc xuất xứ linh hoạt đối với một số sản phẩm thủy sản chế biến, đóng hộp như cá ngừ, tôm... Đây là nhóm mặt hàng mà Việt Nam còn thiếu nguyên liệu.

Với những ưu đãi kể trên, đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Thủy sản Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu và chiếm lĩnh thị trường EAEU.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), năm 2015, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản chính ngạch của Việt Nam sang EAEU chỉ đạt 84,71 triệu USD giảm 25,16% so với năm 2014.

Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu thủy sản sang EAEU đạt 51,87 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu sang Nga đạt 51.557.817 USD, tăng 4,1%, Belarus đạt 310.053 USD, giảm 11,9%), Kazakhstan đạt 3.217 USD

Đến nay, Nga vần là đối tác truyền thống đối với mặt hàng cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi Nga đang áp dụng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ các nước phương Tây và một số nước khác, Việt Nam sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản để bù đắp thiếu hụt tại thị trường này

Năm 2015, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 16,8 triệu USD, chỉ chiếm 1,08% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Tính đến 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nga đạt trên 49 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan.

Theo tin từ VASEP, một số doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm cá khô sang EAEU nhưng gặp khó khăn vì yêu cầu sản phẩm phải đáp ứng được quy định riêng của thị trường chứ không đồng ý với chứng nhận của cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Hồng Vũ