Xuất khẩu rau quả tháng 10 giảm sâu
Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 10 giảm 43,3% so với tháng 9 và giảm 14,6% so với tháng 10/2023, đạt 519,8 triệu USD.
Tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đạt 6,16 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đóng góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành là mặt hàng sầu riêng, tỷ trọng chiếm 49,86% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của cả nước.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết triển vọng xuất khẩu rau quả cuối năm 2024 nhìn chung vẫn sẽ khả quan do yếu tố mùa vụ. Mặc dù sầu riêng chính vụ đã kết thúc vào tháng 10, nhưng Việt Nam vẫn còn hàng trái vụ. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng rau, củ, quả và sản phẩm chế biến khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự báo sang tháng 11, 12 kim ngạch có thể giảm mạnh xuống khoảng 400 - 500 triệu USD/tháng do sầu riêng qua chính vụ và chỉ còn ít hàng trái vụ ở khu vực miền Tây.
Tính chung cả năm nay, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể đạt kỷ lục mới 7,3 - 7,5 tỷ USD.
Mặc dù xuất khẩu rau quả của Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực, tiến dần đến mốc kim ngạch cao nhất từ trước đến nay, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn và việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường đang đặt ra những thách thức lớn.
Ông Nguyên cho rằng hàng Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt tại Trung Quốc. Điển hình như mặt hàng sầu riêng, Việt Nam đang phải chạy đua thị phần với Thái Lan. Hay với mặt hàng chuối, đối thủ của Việt Nam là Indonesia, Ecuador,..
Thậm chí, hàng Việt Nam còn phải cạnh tranh với chính sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc. Cục Xuất nhập khẩu cho biết, nhiều loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, phía Trung Quốc cũng đang tự phát triển diện tích khá nhanh. Sau 10 năm, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã vượt Việt Nam.
Đối với trái sầu riêng, Trung Quốc đang thử nghiệm trồng 2.700 ha tại đảo Hải Nam và tìm cách tự chủ nguồn cung từ các nơi có khí hậu thuận lợi. Do đó, ngành hàng rau quả cần phải tạo ra và mang đến những giá trị thực sự của trái cây Việt Nam tới người tiêu dùng Trung Quốc.