Xuất khẩu rau quả khó giữ đà tăng trưởng vì chính sách 'Zero COVID' của Trung Quốc
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 11 đạt 261,5 triệu USD, tăng 9% so với tháng 10.
Lũy kế 11 tháng, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 1,7 tỷ USD, không biến động so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 54% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định đà tăng trưởng của ngành hàng này đang bị cản trở bởi thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch COVID-19 theo chiến lược "Zero COVID".
Điều này khiến vận tải hàng hóa bị gián đoạn, gây áp lực lên hệ thống cửa khẩu và cảng biển. Cùng với những rào cản về kỹ thuật, thuế quan, xuất khẩu rau quả của của Việt Nam sang thị trường này sẽ khó khăn vào cuối năm và quý I/2022.
Trao đổi với người viết, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết: "Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc gặp khó ít nhất trong 3-6 tuần dịp Tết Nguyên đán 2022.
Vì các thuỷ thủ, nhân viên hải quan Trung Quốc sẽ về quê nghỉ Tết và bị cách ly nên các hãng tàu, cửa khẩu thiếu lao động sẽ tạm nghỉ trong 3-6 tuần và sẽ không thể nhận hàng".
Trước cảnh xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc tắc cả ở cảng biển và cửa khẩu, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng Việt Nam cần mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường truyền thống, tiến tới chấm dứt hoạt động thương mại đường mòn, lối mở. Đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa ở thị trường 100 triệu dân.
Trái ngược với thị trường Trung Quốc, 11 tháng năm 2021, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang Mỹ đạt 203 triệu USD, tăng 33%, Nhật Bản đạt 144 triệu USD, tăng 21,5%, Đài Loan đạt 74 triệu USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Dù các thị trường nêu trên có tốc độ tăng trưởng cao nhưng trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, không bù đắp được mức giảm từ thị trường Trung Quốc.