|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xuất khẩu quí 1 dưới góc nhìn thị trường

22:11 | 13/04/2017
Chia sẻ
Trong quí 1-2017, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 43,73 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
xuat khau qui 1 duoi goc nhin thi truong
Trong quí 1, xuất khẩu gạo chính ngạch sang Trung Quốc đã có dấu hiệu lạc quan. Trong ảnh: Thu họach lúa tại ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Nhìn sự tăng trưởng xuất khẩu quí 1-2017 qua ba nhóm hàng có ba nét nổi bật: (1) Nhóm từng chịu trận về giá nay do điều kiện thị trường đã thuận lợi nên tăng với tốc độ cao; (2) Nhóm phải khắc phục yếu kém nội tại quí này phục hồi; (3) Nhóm có tỷ trọng áp đảo trong tổng kim ngạch duy trì mức tăng. Tỷ lệ tăng của nhóm này tính trên “mẫu số lớn” nên chỉ ở mức khá song giá trị gia tăng thì hơn hai nhóm trên cộng lại.

Quí 1-2017 Việt Nam xuất khẩu vào 81 thị trường, còn một số thị trường khác do nhỏ lẻ nên gom vào nhóm “các thị trường chưa phân tổ”; nhập khẩu từ 70 thị trường và tương tự như xuất khẩu, các thị trường nhỏ lẻ được gom vào “các thị trường chưa phân tổ”.

Có 52/81 thị trường xuất khẩu của ta tăng và 29 thị trường xuất khẩu giảm so với quí 1-2016. Có chín thị trường ta xuất khẩu được từ một tỉ đô la Mỹ trở lên, trong đó châu Á có sáu thị trường, châu Âu có hai, châu Mỹ có một thị trường. Mỹ đứng đầu trong các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Trung Quốc đứng vị trí thứ hai.

Trong khối ASEAN, Malaysia, Singapore, Thái Lan là các thị trường xuất khẩu có tốc độ xuất khẩu tăng, lần lượt là 49%, 27%, 21%. Nhớ lại năm 2016, xuất khẩu vào nhóm nước này giảm so với năm 2015 nên kết quả quí đầu năm này là dấu hiệu phục hồi, lóe lên hy vọng tận dụng lợi thế tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Trong tình thế Việt Nam vẫn nhập siêu từ khối ASEAN thì với Campuchia Việt Nam lại xuất siêu - gợi mở về khả năng tăng cường bán hàng ở “chợ gần”.

Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 43% - mức tăng cao nhất trong số 52 thị trường tăng trưởng. Xuất khẩu gạo hướng theo đường chính ngạch đã có dấu hiệu lạc quan. Các loại nông - lâm sản khác qua biên giới cũng khá. Xuất khẩu sang thị trường này tăng nhanh hơn nhập khẩu (43% so với 12%), giảm áp lực nhập siêu.

Xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 24%, tiếp tục đà tăng trưởng năm 2016. Phải chăng đây là tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp đã tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)? Xuất khẩu sang Anh, Đức, Hà Lan, Ý… mỗi nước được từ 900 triệu đến 1,4 tỉ đô la Mỹ, góp công chính để xuất khẩu vào khu vực này tăng 4,5% so với quí 1-2016. Những thuận lợi tiếp tục được khai thác, còn dự báo những điều phức tạp thì chưa đến.

Con số 8,6 tỉ đô la xuất khẩu vào Mỹ, chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu trong quí 1, tiếp tục khẳng định vị trí số 1 của thị trường này đối với ta. Tỷ lệ tăng dù không thật cao (4,1%), song không thể đánh đồng với tỷ lệ tăng của những thị trường khác vì riêng giá trị gia tăng của nó đã hơn hàng chục thị trường khác. Xuất khẩu vào hai quốc gia trong châu Đại Dương tiếp tục đà tăng của năm trước. Hy vọng rau quả của ta năm nay cũng làm nên chuyện ở Úc như năm ngoái.

Châu Phi vẫn là khu vực lẹt đẹt về xuất khẩu của ta, với sức mua chưa đến 1% tổng giá trị hàng Việt Nam ra thế giới, trong đó nhiều thị trường chưa tới 10 triệu đô la Mỹ. Có thị trường tăng vọt như Togo tới 156% nhưng giá trị chỉ là 16 triệu đô la Mỹ. Xa xôi là một phần nhưng sâu xa là đối tác chưa khỏe còn ta cũng chưa mạnh.

Nhập khẩu (45,63 tỉ đô la Mỹ) cao hơn xuất khẩu khiến việc nhập siêu (1,9 tỉ đô la Mỹ) đáng được quan tâm ở cả trị giá và tỷ lệ. Những địa chỉ nhập siêu lớn vẫn là Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN. Song, do xuất siêu vào Mỹ, châu Âu cũng lớn, bù trừ, khống chế nhập siêu ở mức chấp nhận được.

Nguyễn Duy Nghĩa

Giá vé đường sắt cao tốc Bắc - Nam dự kiến bằng 75% hàng không là đắt hay rẻ?
Không phải mất thời gian di chuyển đến sân bay, chờ cất hạ cánh mà chỉ vẫn làm việc bình thường trên tàu điện nhờ có kết nối internet là lợi ích vượt trội đường sắt cao tốc. Vì vậy, giá vé đường sắt cao tốc dù cao vẫn có thể cạnh tranh được với hàng không.