|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn có dư địa tăng trưởng

22:58 | 01/01/2020
Chia sẻ
Năm 2020, toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng đạt từ 2,91% đến 3%; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 41,5 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về những giải pháp nhằm đạt được mục tiêu trên.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn có dư địa tăng trưởng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, bứt phá, về đích hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, Bộ trưởng nhận định thế nào về năm nay?

Trước hết, phải xác định năm 2020 sẽ không nhiều thuận lợi cho ngành nông nghiệp.

Không phải ngẫu nhiên ngành được tổng kết sớm, bởi để ngành tập trung chỉ đạo sản xuất ngay từ vụ đầu tiên là vụ Xuân của miền Bắc, ứng phó với mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong vụ Đông Xuân.

Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi tuy xuống đáy nhưng chưa an toàn. Sâu keo mùa thu năm ngoái đã xuất hiện lần đầu tiên trên 14 tỉnh thành, năm nay sẽ phải tiếp tục ứng phó với việc loài sâu này có khả năng quay trở lại. Thị trường nông sản tiếp tục có sự canh tranh ngay gắt vì chiến tranh thương mại; trong đó, có nông sản. Các quốc gia đều muốn phát triển nông sản tại chỗ, điều này gây áp lực cho các nước xuất khẩu nông sản; trong đó có Việt Nam.

Vậy dựa vào điểm gì để ngành có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của năm 2020?

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn tìm thấy dư địa phía trước, mặc dù năm 2020 ngành tiếp tục phải đối diện với thách thức lớn nhất là thị trường. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP chính thức giao nhiệm vụ kim ngạch xuất khẩu cho ngành, ngành xác định sẽ bàn và giao nhiệm vụ cho các đơn vị để có sự phối hợp tốt với các địa phương, thành phần kinh tế để phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42 tỷ USD trở nên.

Đây là mục tiêu khó, nhất là trong bức tranh toàn cầu đang có sự cạnh tranh quyết liệt về thị trường. Nhưng với quyết tâm cao nhất, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và người dân, ngành nông nghiệp cố gắng cao nhất để đạt được con số trên.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã về đích sớm, vậy trong giai đoạn tới, ngành sẽ đặt mục tiêu tiếp theo như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã về đích trước gần 2 năm và vượt 4% nhưng chúng ta không chủ quan, lạc quan với đà này thì sẽ sớm làm xong nông thôn mới. Năm 2020, chúng ta xây dựng hai nhóm mục tiêu lớn.

Với những xã đã đạt 19 tiêu chí phải củng cố hơn nữa; trong đó có 2 nhóm trụ cột là đi vào tập trung thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Đây mới là hồn của nông thôn mới, có kinh tế phát triển mới có đời sống ấm no nâng lên. Hai là tập trung nhiều vào môi trường sản xuất, môi trường sinh hoạt để xứng đáng là nông thôn mới.

Với những xã chưa hoàn thành, cả hệ thống chính trị tiếp tục phải dồn lực đi đôi với xây dựng thiết chế hạ tầng, sản xuất, môi trường. Những chỗ còn lại là những chỗ khó nhất và ngày càng bỏ xa khoảng cách là không được. Chính vì thế, chúng ta phải tập trung cho hai nhóm cơ bản trên.

Vậy để thực hiện được hai nhóm mục tiêu lớn trên, theo Bộ trưởng Chương trình cần có sự đầu tư như thế nào?

Rút kinh nghiệm 10 năm qua, Bộ đang tập hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương... Theo đó, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ tập trung nguồn lực đầu tư của Nhà nước nhiều hơn so với giai đoạn vừa qua. Bởi, câu trả lời đã cho thấy Nhà nước đầu tư 1 đồng đã thu hút sự đầu tư của xã hội 10 đồng.

Cùng với đó, các thiết kế hạ tầng cần chăm lo nhiều hơn để đưa đời sống người dân vùng nông thôn ở tỷ lệ ngang bằng với đô thị. Tuy nhiên, nguồn lực chỉ làm một phần, phương thức phân bổ, ưu tiên vùng miền, huy động tổng lực… là những vấn đề cần làm tốt hơn, đồng đều hơn.

Với ngành chăn nuôi, Bộ trưởng sẽ có định hướng gì để phát triển lĩnh vực này sau ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi?

Ngành rút ra rất nhiều bài học sau thời gian bị bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đầu tiên là an ninh lương thực phải luôn coi là nhiệm vụ số 1 trong tổ chức sản xuất nông nghiệp. Mặc dù đến nay, khối lượng lợn phải tiêu hủy có 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước nhưng tác hại rất lớn.

Vấn đề là thiệt hại rơi vào những người sản xuất nhỏ lẻ. Những cơ sở sản xuất lớn nếu có bị thiệt hại sau này họ dễ lấy lại được đà sản xuất.

Thời gian tới, khả năng tái đàn là tích cực, vì qua 11 tháng bệnh đã xuống đáy, giảm 97% thiệt hại. Hiện cả nước có 80% số xã, 3 tỉnh có 100% số xã đã qua 30 ngày bệnh này không quay lại.

Từ tháng 10/2019,  khi dịch bệnh giảm, ngành nông nghiệp đã có chủ trương tập trung tái đàn. Cơ sở để tái đàn là ngành đã giữ được lực lượng hạt nhân bao gồm 109.000 con lợn cụ kỵ, ông bà; 2,7 triệu lợn nái. Nếu không giữ được đàn lợn này thì phải mất mấy năm mới khôi khục lại được.

Ngành nông nghiệp đã rút được ra nhiều bài học kinh nghiệm từ cơ quan quản lý cho đến người dân cách chăn nuôi an toàn sinh học. Chăn nuôi an toàn sinh học triệt để thì bệnh dịch này dù chưa có vắc xin vẫn giữ được hoàn toàn.

Với tình hình tái đàn hiện nay, đến tháng 2 - 3/2020, 17 doanh nghiệp lớn sẽ trở lại trạng thái bình thường như thời điểm trước khi có dịch, thậm chí có đơn vị cơ cấu đàn còn cao hơn. Song ngành phải quán triệt thật chặt vấn đề an toàn sinh học.

Với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học được tốt như những cơ sở lớn, ngành khuyến nghị các địa phương tìm sinh kế mới cho những đối tượng này. Có thể hướng họ chuyển đổi sang chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, cây trồng khác. Đây là việc làm rất khó khăn nhưng vẫn phải làm, không để tình trạng các hộ nhỏ lẻ này thấy giá lợn tăng cao lại quay đi tái đàn rồi lại rủi ro lần thứ hai.

Về dài hạn, ngành đang xây dựng Chiến lược Phát triển chăn nuôi đến 2030; trong đó sẽ tính đến cơ cấu nhóm thực phẩm cho phù hợp với nền kinh tế và cơ cấu dân số hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bích Hồng