|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang 3 thị trường chính tiếp tục giảm

16:01 | 30/08/2016
Chia sẻ
Xuất khẩu (XK) mực, bạch tuộc trong 7 tháng đầu năm nay tiếp tục xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Bốn thị trường NK hàng đầu mực, bạch tuộc của Việt Nam đều sụt giảm. Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn là 2 thị trường NK số 1 và số 2. Tuy nhiên, vị trí thứ 3 của năm nay là dành cho EU, trong khi ASEAN lùi xuống vị trí thứ 4.

Nguyên nhân sụt giảm là do một phần thiếu nguyên liệu chế biến và một phần do sức mua của thị trường không cao. Các DN chế biến thủy sản tại khu vực miền Trung đặc biệt ở Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận sẽ bị ảnh hưởng nhiều từ sự cố môi trường làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm hải sản trong đó có mực, bạch tuộc. Hiện nay, nhiều nhà máy ở khu vực này đang tích cực tìm kiếm và thu mua nguyên liệu từ các thị trường nước ngoài có giá cả phù hợp và chất lượng tốt để phục vụ chế biến và tiêu thụ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, XK mực, bạch tuộc trong 7 tháng đầu năm nay đạt giá trị 218,5 triệu USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó XK sang Hàn Quốc đạt 81,22 triệu USD, chiếm 37,2% tỷ trọng, XK sang Nhật Bản đạt giá trị 55,06 triệu USD, chiếm 25,2% tỷ trọng.

Trong khi XK mực, bạch tuộc của Việt Nam chưa được tốt trong những tháng đầu năm nay thì XK mực nang và mực ống hun khói, muối, khô, đông lạnh của nước láng giềng Trung Quốc lại có giá tốt. Giá XK mặt hàng này của Trung Quốc trong năm nay đều cao hơn so với cùng kỳ của 2 năm trước đó. Thái Lan là nước NK hàng đầu mực nang và mực ống hun khói, muối, khô, đông lạnh của Trung Quốc, tiếp đến là Philippines và Trung Quốc. Tuy nhiên, XK mực nang và mực ống chế biến của Trung Quốc trong năm nay lại có giá thấp hơn năm ngoái. Nhìn chung, giá trung bình XK mặt hàng này của Trung Quốc có xu hướng sụt giảm kể từ đầu năm nay và đang nhích lên từ tháng 5 vừa qua. Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc là 3 thị trường NK hàng đầu mực nang và mực ống chế biến của nước này.

XK mực của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay đạt tổng giá trị 123,79 triệu USD, chiếm 56,7% tỷ trọng. Trong đó, mực sống/tươi/đông lạnh (thuộc mã HS03) là mặt hàng có giá trị XK đạt cao nhất, tiếp đến là mực khô, nướng, (thuộc mã HS03). XK mực chế biến khác (thuộc mã HS16) trong 7 tháng đầu năm nay đạt giá trị 7,35 triệu USD. Đây cũng là mặt hàng có giá trị đạt thấp nhất trong nhóm hàng mực XK của Việt Nam.

XK bạch tuộc của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay đạt giá trị 94,706 triệu USD, trong đó XK bạch tuộc chế biến (thuộc mã HS16) đạt 20,15 triệu USD, XK bạch tuộc khô/muối/sống/tươi/đông lạnh (thuộc mã HS03) đạt giá trị 74,54 triệu USD. XK bạch tuộc hiện chiếm 43,3% tỷ trọng, giảm nhẹ so với mức 44,56% tỷ trọng của cùng kỳ năm 2015.

Ngọc Thủy

Theo Vasep