|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gạo sang Philippines tăng cao, Indonesia giảm mạnh

07:31 | 26/02/2024
Chia sẻ
So với cùng kỳ, xuất khẩu sang Philippines tăng mạnh 117% về lượng, trong khi sang Indonesia lại giảm đến 68%. Xét về giá trị, Philippines tăng cao 200% còn Indonesia giảm 56%.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1, Philippines và Indonesia là hai thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, lần lượt đạt gần 281.000 tấn và 27.200 tấn. Về giá trị, xuất khẩu sang Philippines thu về hơn 194 triệu USD, cao nhất trong 9 tháng. Trong khi kim ngạch xuất khẩu gạo sang Indonesia đạt hơn 18 triệu USD.

So với tháng 1/2023 (tháng có nhiều ngày nghỉ Tết Nguyên đán), xuất khẩu sang Philippines tăng mạnh 117% về lượng, trong khi sang Indonesia lại giảm đến 68%. Xét về giá trị, Philippines tăng cao 200% còn Indonesia giảm 56%.

Theo Cục Công nghiệp Thực vật Philippines (BPI), Philippines đã nhập khẩu 3,57 triệu tấn gạo trong năm 2023, giảm 6,8% so với năm 2022. Việt Nam vẫn là nhà cung cấp gạo hàng đầu của Philippines vào năm ngoái, chiếm 83% dung lượng thị trường với khoảng 2,97 triệu tấn, giảm 6,4% so với năm 2022.

Dữ liệu mới nhất của BPI cho thấy, nhập khẩu khẩu tính đến 16/2 của nước này đạt gần 570.000 tấn, tăng 44% so với hai tháng đầu năm 2023. Một nửa số này đến từ Việt Nam, tiếp theo là Thái Lan (khoảng 154.000 tấn) và Pakistan (60.000 tấn) 

Các nhà cung cấp gạo khác cho Philippines trong thời gian qua còn có Myanmar, Campuchia, Nhật Bản, Ấn Độ.

Theo Philstar, đại diện Liên đoàn Nông dân Tự do (FFF) cho biết việc nhập khẩu gạo tăng có thể là do các thương nhân và nhà nhập khẩu lo ngại giá gạo toàn cầu vẫn có thể tăng trong những tháng tới. Do vậy họ nhập khẩu nhiều ngay hai tháng đầu năm 2024 bất chấp giá tăng cao.

 

 

 

Về Indonesia, Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS) mới đây cho biết kim ngạch nhập khẩu gạo của Indonesia trong tháng 1 đầu năm đạt 279,2 triệu USD, tăng 131% so với cùng kỳ nhưng giảm 17% so với tháng trước.

Phần lớn gạo nhập khẩu đến từ Thái Lan với trị giá 153 triệu USD. Tiếp theo là Pakistan 79,3 triệu USD.  Myanmar thị trường cung cấp lớn thứ ba với kim ngạch 23,98 triệu USD.

Trong năm 2023, Thái Lan và Việt Nam là hai thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Indonesia, với khối lượng lần lượt là 1,4 triệu tấn và hơn 1,1 triệu tấn. Ngoài ra, Indonesia còn nhập khẩu gạo từ Pakistan (309.000 tấn) và Myanmar (141.000 tấn).

Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, sản lượng gạo của Indonesia trong 2 tháng đầu năm 2024 dự báo chỉ đạt 2,25 triệu tấn, giảm khoảng 46,3% so với năm trước do ảnh hưởng tiêu cực của điều kiện thời tiết El Nino tới vụ thu hoạch.

Trong khi đó, Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) cho biết chính phủ  đã đồng ý giao cơ quan này nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm 2024 để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Bulog không mấy lạc quan về giá gạo sẽ giảm trong năm nay, nhưng cơ quan này cho biết sẽ đảm bảo rằng lượng gạo dự trữ (CBP) của chính phủ trong kho được an toàn. Bulog sẽ đảm bảo cung cấp 1,3 triệu tấn gạo dự trữ cho hoạt động thị trường và phân phối viện trợ gạo bắt đầu từ tháng 1.

Trước đó, Tổng thống Indonesia, Joko Widodo, cho rằng chính sách phân bổ nhập khẩu gạo vẫn khó dừng lại do sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu. Tại hội nghị triển vọng kinh tế Indonesia năm 2024 do Bộ Điều phối Kinh tế Indonesia tổ chức, Tổng thống Jokowi xác nhận Indonesia sẽ nhập khẩu 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ và 2 triệu tấn từ Thái Lan để đảm bảo an toàn cho kho dự trữ gạo quốc gia trong năm 2024. 

 

Anh Đào