Xuất khẩu điều khởi sắc, Vinacas cảnh báo về an toàn thực phẩm
Ông Nguyễn Văn Công, Chủ tịch Vinacas thông tin, nửa đầu năm 2023 xuất khẩu điều gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, xung đột giữa các quốc gia. Tuy nhiên, từ quý III trở đi, thị trường đã khởi sắc, hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc tăng nhập khẩu trong những tháng gần đây góp phần nâng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hạt điều.
Tính đến hết tháng 9/2023 xuất khẩu hạt điều đạt 456.000 tấn, trị giá 2,6 tỷ USD; tăng 19,6% về lượng và tăng 14,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Nhân điều là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu thế mạnh, nằm trong nhóm sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD. Về giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.722 USD/tấn, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về nguyên liệu, tính đến cuối tháng 8/2023, Việt Nam đã nhập khẩu 2,18 triệu tấn điều thô, trị giá 2,56 tỷ USD; tăng hơn 34% về lượng và gần 14% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Tính trung bình giá điều thô nhập khẩu giảm hơn 13% so với cùng kỳ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nhập khẩu gần 11.500 tấn điều nhân (vỏ lụa, nhân trắng) với trị giá hơn 62 triệu USD.
Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký Vinacas cho biết, sở dĩ Việt Nam nhập khẩu nhiều điều thô bởi nguồn nguyên liệu trong nước khá hạn chế. Sản lượng điều thô Việt Nam vụ 2023 ước đạt 345.000 tấn, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ trong tổng nhu cầu chế biến hơn 2 triệu tấn điều thô/năm của các doanh nghiệp.
“Giá điều thô nguyên liệu chào bán đang cao hơn kỳ vọng của người mua khiến thị trường khá im ắng, chưa có dấu hiệu sôi động trở lại. Chỉ có một số ít khách quan tâm đến việc mua điều thô từ kho ngoại. Trong khi đó, với điều nhân, nhu cầu về các loại hạt to như W180, W240 ngày càng nhiều và giá tăng cao nhưng không có nhiều chào hàng vì số lượng trên thị trường không còn nhiều. Riêng hàng siêu trắng xuất khẩu sang Trung Quốc nhu cầu đang cao nhưng giá cũng không tăng”, ông Đặng Hoàng Giang thông tin thêm.
Theo Vinacas, hạt điều từ chỗ là sản phẩm “không thiết yếu” đã trở thành thực phẩm không thể thiếu ở các nước phát triển, riêng tại Ấn Độ, hạt điều là thực phẩm phục vụ ăn chay hàng ngày. Thêm vào đó, 3 tháng cuối năm, nhu cầu nhập khẩu điều ở các thị trường đều sẽ tăng, đặc biệt là Mỹ và EU để phục vụ nhu cầu mùa lễ, tết. Những yếu tố trên sẽ thúc đẩy xuất khẩu điều tăng trưởng tốt hơn trong những tháng tới và đưa ngành điều về đích trên 3,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong lúc thị trường khả quan Vinacas cũng ghi nhận số vụ việc, lô hàng bị nhà nhập khẩu phản ánh nhiễm sâu, dư lượng thuốc khử trùng vượt mức cho phép ngày càng tăng. Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Vinacas cho biết, thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao dễ khiến hạt điều nhiễm sâu, côn trùng, ẩm mốc. Để xử lý tình trạng này, nhiều doanh nghiệp sử dụng thuốc khử trùng không đúng liều lượng và thời gian cách ly dẫn đến dư lượng thuốc, không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước nhập khẩu.
Đến nay, Vinacas đã nhận được văn bản chính thức từ 2 hiệp hội ở châu Âu, Mỹ và một số khách hàng khác cảnh báo về việc chất lượng hạt điều Việt Nam đi xuống. Trong số đó, những chỉ tiêu bị cảnh báo là côn trùng sống, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất.
Theo ông Bạch Khánh Nhựt, khi đơn đặt hàng tăng nhanh, các doanh nghiệp cũng tích cực chạy đua doanh số những tháng cuối năm bằng cách cho công nhân tăng ca, đẩy nhanh tiến độ chế biến. Vì thế, việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu và cả thành phẩm ở một số nơi chưa được chặt chẽ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của riêng doanh nghiệp đó mà còn làm sụt giảm uy tín của cả ngành điều Việt Nam. Đây cũng là lí do khiến giá điều xuất khẩu của Việt Nam đang thấp hơn điều Ấn Độ.
“Để tránh các rủi ro về sâu, công trùng trong nhân điều, các doanh nghiệp cần kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu, hạn chế sản xuất ban đêm do đèn điện dễ thu hút côn trùng bay vào, tách biệt kho chứa nguyên liệu với kho chứa thành phẩm để tránh nhiễm chéo. Vào mùa mưa, ẩm, nhân điều cần được sấy khô hơn bình thường để tránh tình trạng bị ẩm mốc. Trong trường hợp phải sử dụng thuốc khử trùng cần đảm bảo đúng liều lượng, thời gian cách ly sản phẩm trước khi xuất khẩu để tránh dư lượng vượt mức cho phép”, ông Bạch Khánh Nhựt khuyến cáo.