|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu chè tăng mạnh cả lượng và giá trị trong tháng đầu năm mới

21:43 | 09/02/2021
Chia sẻ
Thị trường chè từ nay đến sát Tết nguyên đán được cho là sẽ không có biến động quá mạnh với nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu gia tăng trong thời gian tới.

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết khối lượng xuất khẩu chè tháng 1/2021 ước đạt 10.000 tấn với giá trị đạt 16 triệu USD, tăng 25,8% về khối lượng và tăng 30,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. 

Tại thị trường thế giới, các cuộc đấu giá của Hiệp hội Thương mại chè Coonoor Ấn Độ (CTTA) khởi đầu năm 2021 với mức giá trung bình đạt 134,73 Rs/kg, tăng 20,36 Rs/kg so với phiên cuối năm 2020 trước khi đóng cửa cho Giáng sinh và Tết dương lịch. 

Giá chè tăng do nhu cầu tăng từ những người mua nước ngoài khi các loại chè Bắc Ấn không có mặt trên thị trường vì ngưng thu hoạch vào mùa đông. 

Mặt hàng chè xuất khẩu cũng khởi đầu một năm với mức giá trung bình tốt tại phiên đấu giá Mombasa, Kenya hàng tuần sau khi liên tục sụt giảm vào năm ngoái.

Mặc dù vẫn thấp hơn mốc 2 USD/kg, đạt trung bình 1,94 USD (23,40 Sh) nhưng vẫn cao hơn mức đóng cửa vào năm ngoái ở mức trung bình là 1,87 USD (205,70 Sh)/kg, báo hiệu lợi nhuận tốt cho nông dân trong năm nay.

Tại thị trường trong nước, chè nguyên liệu trong nước trong tháng đầu năm mới không có nhiều biến động dù đang là thời điểm sát Tết Nguyên đán. 

Tại Thái Nguyên, giá chè cành chất lượng giữ giá ở mức 190.000 đồng/kg, chè xanh búp khô 90.000 đồng/kg, chè xanh búp khô (đã sơ chế loại 1) 120.000 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá chè cành ổn định 9.800 đồng/kg, chè hạt 7.600 đồng/kg. 

Thời điểm này, các hộ trồng chè cũng như cơ sở kinh doanh đang đẩy mạnh sản xuất phục vụ thị trường dịp Tết. Thị trường chè từ nay đến sát Tết nguyên đán được cho là sẽ không có biến động quá mạnh với nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu gia tăng trong thời gian tới.

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản hướng tiêu dùng đồ uống trong năm 2021 được dự báo có những chuyển đổi rõ rệt do ảnh hưởng của đại dịch đến thói quen tiêu dùng và thị hiếu.

Cụ thể theo báo cáo của USDA, đại dịch COVID-19 đã ảnh hướng đến xu hướng tiêu dùng thực phẩm, theo đó quan tâm nhiều đến sức khoẻ, sự bền vững và các sản phẩm nuôi dưỡng thể chất và tinh thần. 

Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm có xu hướng tích cực hoặc ít ảnh hưởng đến môi trường. Các doanh nghiệp đồ uống có thể tập trung khai thác các sản phẩm tốt cho sức khoẻ, đặc biệt là các loại trái cây, sản phẩm không có gluten, sản phẩm hữu cơ.

Theo Flavourchem, xu thế cho các sản phẩm đồ uống, trà, cà phê sẽ theo hướng trải nghiệm sáng tạo, khám phá cảm giác, vị giác với các thành phần hàm chứa các yếu tố giảm thiểu sử dụng sản phẩm không thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng và tái chế.

Như Huỳnh