|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu cá ngừ tăng 16% trong hai tháng đầu năm

11:07 | 13/04/2017
Chia sẻ
Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam khởi sắc trong tháng 2 sau khi giảm mạnh trong tháng đầu năm nhờ kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường chính như Mỹ, EU và Nhật Bản đã phục hồi.

Toàn cảnh xuất khẩu cá ngừ trong hai tháng đầu năm

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) dẫn số liệu thống kê của Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ trong tháng 2 tăng mạnh tới 53% lên hơn 36,6 triệu USD. Mức tăng trưởng này đã giúp bù đắp lại lượng kim ngạch sụt giảm của tháng trước đó.

Kết quả là, tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ hai tháng đầu năm tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, lên hơn 70,5 triệu USD.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thăn, philê cá ngừ đông lạnh vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 46%, xếp thứ hai là cá ngừ đóng hộp với 31%.

xuat khau ca ngu tang 16 trong hai thang dau nam

Theo VASEP, trong hai tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu cá ngừ sang 66 thị trường trên thế giới. Trong đó, Mỹ, EU, Israel, ASEAN, Nhật Bản, Canada, Mexcio và Tunisia là 8 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam, chiếm 87% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường chính như Mỹ, EU và Nhật Bản đã phục hồi. Ngoài ra, Mexico và Tunisia đã vươn lên là thị trường xuất khẩu mới nổi của ngừ Việt Nam.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ vào Mỹ trong hai tháng đầu năm tăng 18% lên 25,3 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đóng hộp tăng mạnh nhất tới 61%. VASEP cho rằng đây là một tín hiệu tốt bởi giá cá ngừ vằn trên thị trường thế giới đang ở mức cao nhưng cá ngừ đóng hộp của Việt Nam vẫn hút hàng tại Mỹ.

Tương tự, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang EU đã phục hồi khi tăng gần 3% lên 15,5 triệu USD. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu thăn, philê cá ngừ và cá ngừ đóng hộp tăng 50% so với cùng kỳ.

Trong liên minh EU, ba nước nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ Việt Nam là Đức, Italy và Hà Lan. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Đức và Hà Lan vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ, trong khi sang Italy vẫn ở mức thấp.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản cũng tăng tới 70% lên 3 triệu USD. Trong đó, các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp đang mức tăng trưởng ấn tượng là 123%; cá ngừ tươi sống, khô và đông lạnh cũng tăng 28%.

VASEP dự báo xuất khẩu cá ngừ sẽ khả quan hơn so với cùng kỳ trong thời gian tới.

Hiện tại, VASEP cũng cảnh báo ngành cá ngừ phải chú ý vì các đối thủ như Thái Lan và Philippines đều đang tăng xuất khẩu sang các thị trường mới nổi, do đó cạnh tranh tại các thị trường này sẽ tăng.

Tại thị trường thế giới, VASEP cho biết, hiện tại Mỹ và Mexico vẫn đang kéo dài tranh chấp liên quan đến dán nhãn “An toàn cá heo”.

Cụ thể, trong năm 2008, Mỹ đã cấm tất cả các sản phẩm cá ngừ của Mexico sử dụng nhãn này do các ngư dân Mexico chủ yếu dựa vào việc khai thác cá ngừ bằng lưới vây. Điều này có thể dẫn đến việc cá heo bị đánh bắt không chủ đích vì cá heo hay bơi tầng trên đàn cá ngừ.

Tuy nhiên, Mexico đã tranh luận về lệnh cấm vì lý do chỉ một số ngư trường có nguy cơ bị đánh bắt cá heo không chủ đích. Đến năm, 2013, Mỹ đã đưa ra một bản sửa đổi nhưng Mexico cho là chưa đủ, và lại khiếu nại với Cơ quan Xử lý Tranh chấp của WTO.

Bên cạnh đó, mới đây Tổ chức Phát triển Thủy sản Bền vững Quốc tế (ISSF) đã thúc giục giám sát việc đánh bắt cá ngừ ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nhằm khai thác cá ngừ bền vững và bảo vệ cá mập.

Hồng Vũ

Tự doanh CTCK đẩy mạnh nắm giữ tiền gửi trong quý cuối năm
Tại cuối năm 2024, hơn phân nửa tài sản tự doanh của Chứng khoán SSI, VPS, ACBS, MBS hay Kafi là tiền gửi. VNDirect và VPBankS ghi nhận trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất mảng tự doanh. Trong khi đó, Vietcap và VIX dẫn đầu về nắm giữ cổ phiếu.