|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xuất cảnh phải đóng 'phí chia tay' ?

10:21 | 13/06/2019
Chia sẻ
Đề xuất thu 3 - 5 USD khi người Việt xuất cảnh, gọi là 'phí chia tay', khiến nhiều đại biểu Quốc hội phản ứng, không đồng tình.
avatar_1560388951139

Du khách Việt Nam lên máy bay đi Singapore tại sân bay Nội Bài ẢNH: NGỌC THẮNG

Một khoản thu bổ sung thêm cho việc phát triển hạ tầng du lịch, xúc tiến du lịch đã được đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch) đề xuất.

Theo đó, mỗi người VN khi xuất cảnh sẽ nộp 3 - 5 USD. Khoản phí này, theo ông Hưng, còn giúp việc bảo hộ công dân ở nước ngoài, xuất nhập cảnh tốt hơn, người làm thủ tục tươi cười hơn.

Đặt "BOT du lịch" nhầm chỗ

Trước đề xuất thu "phí chia tay" 3 - 5 USD, ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Công ty Hanoiredtour, bức xúc: "Thật khó hiểu khi đại biểu Quốc hội đưa ra đề xuất này. Với những người Việt có điều kiện đi du lịch nước ngoài phải chi trả 3 - 5 USD không phải là vấn đề nếu họ được hưởng dịch vụ từ khoản phí đó. Vấn đề ở đây, người VN đi nước ngoài lại phải trả phí đầu tư quảng bá, phát triển du lịch trong nước để thu hút khách nước ngoài vào VN. Trong khi lẽ ra khoản thu này phải thu khách nước ngoài vào VN mới đúng. Đây không khác gì việc đặt "BOT" nhầm chỗ, người ta đi đường này, ông lại thu phí đi đường khác".
Ngoài đầu tư phát triển du lịch, ông Hoan cho rằng lý giải của người đưa ra đề xuất này là trích cho các cơ quan ngoại giao để bảo hộ công dân, để bộ phận an ninh sân bay khi làm thủ tục xuất cảnh tươi cười, ân cần hơn đối với công dân... thì càng không hợp lý bởi trách nhiệm của cơ quan ngoại giao là bảo hộ công dân, người dân đã phải đóng thuế trả lương cho bộ phận an ninh ở sân bay, trách nhiệm của họ là phục vụ người dân, cớ sao lại thu thêm tiền để "mua" nụ cười.


Xuất cảnh phải đóng 'phí chia tay' ? - Ảnh 2.

Hành khách VN làm thủ tục đi Hàn Quốc tại sân bay quốc tế Nội Bài Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Đồng tình với ý kiến trên, ông Hoàng Hậu Dương, Giám đốc Công ty du lịch Đại lục VN, chia sẻ: "Không thể lấy dẫn chứng nước Nhật để áp với VN bởi thu nhập bình quân đầu người của Nhật Bản và VN khác nhau "một trời, một vực". Một nước ở top đầu, còn của VN thuộc nước có thu nhập trung bình thấp. Không phải công dân VN nào ra nước ngoài cũng để đi du lịch và đều là những người có tiền. Với những người đi xuất khẩu lao động, để ra nước ngoài lao động vất vả đã phải trả nhiều loại phí, phải vay tiền ngân hàng, nay đè ra thu phí "chia tay" chẳng khác nào tận thu người Việt".

Theo ông Dương, thời gian qua chúng ta đã đầu tư quảng bá du lịch của VN ra nước ngoài nhưng hiệu quả từ việc quảng bá cũng chưa được nhiều. Nếu để xúc tiến quảng bá du lịch thì thu phí khách nước ngoài vào VN, chứ không thể thu phí người VN ra nước ngoài.

TS Nguyễn Thu Thủy, Khoa Du lịch, ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết các chính sách thúc đẩy du lịch đưa ra phải dựa trên điều kiện phát triển, thời điểm phát triển. Chẳng hạn, khi Thái Lan ở thời kỳ khủng hoảng kinh tế, nhà nước đưa ra chính sách trả thẳng tiền cho công ty du lịch đưa được khách vào. Bằng cách đó, khi các ngành kinh tế khác phát triển theo việc khách vào du lịch thì nhà nước cũng sẽ có tiền để trả cho các công ty du lịch. Tức là họ thúc đẩy thu nhập xã hội từ du lịch, chẳng hạn thủ công mỹ nghệ sẽ phát triển theo. Nhờ đó, hiện chi tiêu trung bình mỗi ngày của khách tới Thái Lan là 400 USD. Trong khi đó, ở VN chưa tới 100 USD/khách. “Hiện tại chính sách phí chia tay hoàn toàn không phù hợp với VN. Chúng ta không phải cứ vui lên thì đề xuất”, bà Thủy nói. Tuy nhiên, theo bà Thủy, ngành du lịch có thể thu thuế lưu trú TP, đây cũng là khoản thu nhiều nơi đã thu. Khách lưu trú qua đêm ở TP nào có thể đóng thuế cho TP đó, tiền thu được dùng để xúc tiến du lịch trong TP.

Tốt hơn cho dân hãy làm


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) rất trân trọng đề xuất "phí chia tay" này vì đây là đề xuất của một đại biểu có kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành du lịch. Tuy nhiên, ông Sinh đề nghị Chính phủ nếu tiếp thu đề xuất này cần nghiên cứu kỹ về cơ sở pháp lý trong việc quy định khoản phí này vì hiện chúng ta đã có luật Phí và lệ phí. Bên cạnh đó, nếu thực hiện đề xuất này thì thực chất đây là khoản tiền mà người dân phải đóng góp vì vậy phải có cơ chế quản lý đúng theo quy định của pháp luật.

“Liệu rằng khoản này có quan trọng đến mức, nếu không có khoản này thì không thúc đẩy được hoạt động du lịch, hay không cải thiện được điều kiện, thủ tục xuất nhập cảnh cho người dân tốt hơn hay không? Do đó, theo tôi cần phải đánh giá tác động khi quy định về việc thu một khoản phí, đồng thời phải đặt vấn đề liệu có cách để người dân không phải đóng một khoản nào đó mà tình hình thủ tục xuất nhập cảnh vẫn được cải thiện?”, đại biểu tỉnh Hòa Bình nêu.

Cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM), nhìn nhận bà cảm thấy bất ngờ trước đề xuất của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng về khoản “phí chia tay”. “Tôi không đồng ý với đề xuất này. Ngành du lịch phải nghĩ cách làm sao giảm phí cho người dân, kể cả miễn visa cho khách du lịch phải mở rộng đối tượng khách thì mới thu hút du lịch. Tại sao giờ lại muốn đặt ra khoản gọi là “phí chia tay”? Đã làm được gì cho người dân mà đòi thu phí? Trong khi đó, trách nhiệm của ngành du lịch ở đâu khi mà đất nước ta có tiềm năng về du lịch mà ngành du lịch thì cứ loay hoay “ăn xổi ở thì?”, bà Lan nói.

Giải pháp “nhập khẩu” chưa chắc thích hợp

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho hay trong bối cảnh VN hiện nay, đặt vấn đề thu phí xuất nhập cảnh đối với người dân khi xuất cảnh ra nước ngoài là chưa phù hợp. Mặc dù đề xuất khoản phí chỉ 3 - 5 USD là không lớn nhưng với những khoản phí đặt ra như vậy có thể gây phản cảm và bức xúc đối với người dân. “Nếu muốn đặt ra khoản phí như vậy thì cũng phải đánh giá thật kỹ tác động, tính hợp lý và cần thiết thì mới tạo được sự đồng thuận trong người dân”, đại biểu Hòa nói.

Trước câu hỏi cho rằng Nhật Bản đã ban hành đạo luật riêng để thu khoản phí này, theo ông Hòa, phải thống kê rõ xem ngoài Nhật Bản thì có bao nhiêu nước trên thế giới tiến hành thu khoản phí này. Bên cạnh đó, cũng phải tính đến điều kiện kinh tế - xã hội của chúng ta cũng hoàn toàn khác Nhật Bản. Do đó, không thể lấy lý do Nhật Bản thu khoản phí này thì chúng ta cũng “bắt chước” đặt ra vấn đề thu phí.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng Quốc hội, cho rằng ý kiến đề xuất là quyền của đại biểu, còn đề xuất đó có nhận được sự ủng hộ hay không còn phụ thuộc vào quá trình các cơ quan chức năng, cơ quan soạn thảo phải thẩm định, đánh giá tác động. Bản thân đề xuất đó phải thuyết phục thì mới thuyết phục được số đông đại biểu Quốc hội thông qua, đưa vào luật thành một chính sách trong luật.

“Trên thực tế, đúng là có những nước trên thế giới cũng đã áp dụng giải pháp đó rồi. Tuy nhiên một giải pháp có thể đúng ở đất nước này, chưa chắc đã áp dụng tốt ở đất nước khác. Cho nên, áp dụng những kinh nghiệm của nước ngoài vào VN cần phải có đánh giá, cân nhắc thận trọng chứ chưa thể quyết định có nên áp dụng đề xuất đó hay không vì còn xem có phù hợp với điều kiện của VN hay không”, ông Thắng nói.

Trinh Nguyễn - Lê Hằng - Thu Hiệp