'Xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, dự án đầu tư không hiệu quả còn nhiều khó khăn, kéo dài'
Sáng nay (ngày 23/10), Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIV đã được khai mạc tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch năm 2018.
Theo báo cáo, tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2017 đạt 6,41%, ước cả năm đạt 6,7%; Giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,79%, ước cả năm khoảng 4%, lạm phát cơ bản khoảng 1,6%; ước cả năm tổng thu ngân sách tăng 2,3% so với dự toán và tăng 10,1% so với năm 2016; bội chi 3,5% GDP, bằng mức QH thông qua...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP.
Về cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong năm qua đã tập trung chỉ đạo, xử lý những sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức, trong đó đã xử lý nghiêm một số cán bộ lãnh đạo và công khai kết luận, tạo niềm tin trong nhân dân.
Nhiều vụ việc tham nhũng đã được phát hiện và đưa ra xử lý, xét xử công khai các vụ án lớn, dư luận quan tâm; thu hồi tài sản có tiến bộ. Những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực và các vụ việc gây bức xúc… được chú trọng thanh tra.
“Với nỗ lực phấn đấu trong thời gian còn lại, dự báo cả năm 2017 chúng ta đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đây là một thành công lớn của đất nước ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Song, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ rõ nền kinh tế nước ta còn nhiều hạn chế, yếu kém như: chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, năng suất lao động chưa cao, quy định pháp luật còn bất cập, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn đạt thấp. “Vừa qua, phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát”, người đứng đầu Chính phủ dẫn chứng.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Chính phủ xác định một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018 cần đạt, như GDP tăng 6,5 - 6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,3%...
Trước kết quả tích cực đã đạt được về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2017, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Quốc hội đánh giá cao kết quả điều hành của Chính phủ; biểu dương những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân...
Tuy nhiên theo Chủ tịch Quốc hội, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: VGP.
"Thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn. Phân bổ và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn chậm. Việc xử lý những dự án đầu tư không hiệu quả, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, thất thoát kéo dài. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu", bà Ngân nói.
Ngoài ra, tình hình vi phạm pháp luật về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội và tội phạm trên nhiều lĩnh vực còn diễn biến phức tạp; còn diễn ra một số vụ phá rừng nghiêm trọng; tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn và đẩy lùi như mong muốn.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, diễn biến thời tiết bất thường,... Tất cả những vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, tác động trực tiếp đến việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2017 và thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tăng cường đoàn kết, thống nhất tư tưởng và hành động, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức...
Theo dự kiến chương trình, kỳ họp thứ 4 diễn ra từ ngày 23/10 đến ngày 24/11. Quốc hội sẽ thông qua 6 luật, 12 nghị quyết và cho Quốc hội xem xét, thông qua 6 dự án luật, 12 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác.