Xử lý nhà máy điện chậm tiến độ
|
Theo đó, đối tượng cam kết thực hiện theo quy định là dự án nhà máy điện có công suất từ 30 MW trở lên đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP và kể các không theo hình thức này. Dù là dự án do nhà đầu tư trong nước, nước ngoài hay tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đều phải tuân thủ theo quy định. Các dự án nhà máy điện không thực hiện đúng tiến độ cam kết sẽ bị xử lý.
Điều chỉnh mốc tiến độ
Cụ thể, với các nhà máy nguy cơ chậm tiến độ, chủ đầu tư nhà máy điện PPP trước hết phải tìm giải pháp đảm bảo hoàn thành các mốc tiến độ được giao. Trường hợp chậm bất khả kháng trong vòng 15 ngày, chủ đầu tư thông báo bằng văn cho Bộ Công Thương. Khoảng 5 ngày tiếp theo, Bộ sẽ phản hồi về lý do và cùng chủ đầu tư điều chỉnh các mốc tiến độ dự án.
Đối với các dự án không đạt được mốc tiến độ cam kết do hành vi của cơ quan quản lý nhà nước, chậm nhất 15 ngày bị chậm mốc, chủ đầu tư phải gửi văn bản tới Bộ CÔng Thương đề nghị điều chỉnh tiến độ và giải trình các nguyên nhân do hành vi của cơ quan quản lý nhà nước gây ra. Trong vòng 10 ngày làm việc, Bộ Công Thương có văn bản có ý kiến đối với các nguyên nhân làm chậm mốc tiến độ không phải lỗi của Chủ đầu tư. Có đủ cơ sở, Bộ mời Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP cùng thực hiện việc ký kết điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án tại MOU.
Còn đối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có hành vi làm chậm mốc tiến độ phát triển dự án, sau khi gửi văn bản tới Chủ đầu tư 10 ngày, Bộ Công Thương sẽ gửi văn bản đôn đốc, nhắc nhở hoặc xử lý theo quy định đối với các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương. Đơn vị không thuộc Bộ Công Thương Bộ Công Thương sẽ có văn bản gửi tới các Bộ chủ quản có liên quan hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đối với trường hợp chậm do bên thứ 3 liên quan trực tiếp đến các hạng mục công việc, chậm nhất 15 ngày sau mốc chậm, chủ đầu tư phải gửi văn bản tới Bộ đề nghị điều chỉnh các mốc tiến độ và giải trình các nguyên nhân làm chậm trễ.
Trong 10 ngày sau khi chủ đầu tư gửi văn bản, Bộ Công Thương đề nghị bên thứ 3 có ý kiến bằng văn bản về việc làm chậm mốc tiến độ phát triển của dự án theo báo cáo của chủ đầu tư, hạn trong vòng 15 ngày làm việc.
Bộ sẽ có văn bản gửi chủ đầu tư, có ý kiến đối với các lý do làm chậm mốc tiến độ không phải lỗi của Chủ đầu tư để làm cơ sở mời Chủ đầu tư cùng thực hiện việc ký kết điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án, trong vòng 10 ngày sau khi nhận văn bản của bên thứ 3.
10 ngày tiếp theo, nếu xác định bên thứ 3 liên quan trực tiếp đến các hạng mục công việc tại mốc tiến độ đó gây ra lỗi làm chậm mốc tiến độ phát triển dự án, Bộ Công Thương có văn bản đôn đốc, nhắc nhở hoặc xử lý theo quy định đối với các các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương. Bộ cũng sẽ có văn bản gửi các Bộ chủ quản có liên quan hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các đơn vị không thuộc phạm vi quản lý của Bộ này.
Đối với các mốc “Tiến độ đóng tài chính” và “Tiến độ khởi công xây dựng”, việc điều chỉnh tiến độ sẽ căn cứ theo các tài liệu dự án hoặc Hợp đồng PPP đã ký kết.
Văn bản của Bộ Công Thương có ý kiến đối với nguyên nhân làm chậm mốc tiến độ phát triển dự án không phải do lỗi của Chủ đầu tư chỉ sử dụng để làm căn cứ điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án tại MOU mà không dùng vào mục đích khác.
Trong trường hợp việc điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án làm thay đổi tiến độ ký chính thức các tài liệu và Hợp đồng PPP của dự án từ 12 tháng trở lên so với tiến độ được cam kết, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh tiến độ đưa dự án vào vận hành trước khi thực hiện ký kết điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án tại MOU.
Cơ chế xử lý
Cơ chế xử lý các dự án nhà máy điện PPP không thực hiện đúng tiến độ cam kết được áp dụng từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền có văn bản giao quyền phát triển dự án tới thời điểm ký chính thức các tài liệu dự án và Hợp đồng PPP. Bộ có cơ chế xử lý các dự án nhà máy điện PPP không thực hiện đúng tiến độ cam kết.
Cụ thể, đối với mỗi lần chậm quá 30 ngày làm việc so với mỗi mốc tiến độ đã cam kết, Bộ Công Thương có văn bản thông báo nhắc nhở, yêu cầu Chủ đầu tư nhà máy điện PPP khẩn trương hoàn thành hạng mục công việc bị chậm và đảm bảo không ảnh hưởng tới mốc tiến độ tiếp theo.
Sau 30 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản nhắc nhở lần một, trường hợp Chủ đầu tư nhà máy điện PPP vẫn chưa hoàn thành mốc tiến độ bị chậm trước đó, Bộ Công Thương có văn bản thông báo nhắc nhở lần thứ hai. Tổng số lần nhắc nhở đối với mỗi mốc tiến độ tối đa không quá 2 lần.
Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày Bộ Công Thương có văn bản thông báo lần một về việc chậm mốc tiến độ, trường hợp Chủ đầu tư không hoàn thành mốc tiến độ đã bị chậm và tiến độ tổng thể của Dự án bị chậm lũy kế lên tới 12 tháng so với tiến độ đã cam kết trong MOU, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành văn bản chấm dứt quyền phát triển dự án của Chủ đầu tư để xem xét giao cho nhà đầu tư khác.
Trường hợp Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP bị cơ quan có thẩm quyền chấm dứt quyền phát triển dự án và bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư thì toàn bộ chi phí Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP đã bỏ ra hoặc phát sinh từ trước thời điểm bị chấm dứt quyền phát triển dự án để phát triển dự án sẽ do Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP chịu và không được bồi hoàn.
Đối với các mốc tiến độ tính từ thời điểm sau khi đã ký chính thức các tài liệu và Hợp đồng PPP, cơ chế xử lý chậm tiến độ được áp dụng theo các quy định tại Hợp đồng PPP.