Xử lý người bán dạo vé số Vietlott: Không thỏa đáng
Nguồn: VNE |
- Dư luận đang quan tâm việc xử lý những người bán dạo vé số Vietlott. Theo ông, những người mua vé số của Vietlott rồi bán lại với giá cao hơn giá quy định tại các tỉnh - thành ngoài địa bàn kinh doanh của Vietlott được Bộ Tài chính phê duyệt có vi phạm pháp luật?
- Hành vi đó là không vi phạm pháp luật, nên việc xử lý vi phạm đối với người bán dạo vé số trong trường hợp này là không thỏa đáng. Theo Điểm đ, Khoản 1, Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP của Chính phủ, bán vé số dạo (bán vé số không có vị trí cố định) được thừa nhận, không yêu cầu phải đăng ký kinh doanh.
Điều 10 của Thông tư 136/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán (Thông tư 136) chỉ giới hạn địa điểm phát hành vé xổ số tự chọn số điện toán mà không giới hạn địa điểm phân phối, cũng không có quy định cụ thể về việc mua đi bán lại vé số trên thị trường thứ cấp.
Điều 5 Thông tư 136 và thể lệ tham gia dự thưởng của Vietlott ấn định mức giá vé xổ số không vượt quá 10.000 đồng chỉ ràng buộc Vietlott và các đại lý của Vietlott, không ràng buộc những ai không phải là đại lý của Vietlott.
- Các công ty xổ số kiến thiết ở các tỉnh-thành phía Nam đã có khiếu nại về việc vé số Vietlott được bán ở những địa bàn mà Vietlott chưa được Bộ Tài chính cho phép. Ông có nhận xét gì về điều này?
- Vé số Vietlott có đặc thù riêng, khác vé số truyền thống. Để có quan điểm đúng về vấn đề này, cần phân biệt rõ địa bàn và phương thức phát hành, phân phối vé số Vietlott với địa bàn kinh doanh vé số qua hình thức "bán dạo" trên thị trường thứ cấp xuất phát từ việc người dân mua vé số của Vietlott rồi bán lại với giá cao hơn giá mua ban đầu để hưởng chênh lệch.
Hiện nay, Vietlott mới được Bộ Tài chính cho phép hoạt động tại 12 tỉnh - thành. Theo Điều 9 Thông tư 136, Vietlott phát hành, phân phối vé số thông qua đại lý, điểm bán hàng có gắn thiết bị đầu cuối. Điều này có nghĩa, Vietlott chỉ được phát hành và phân phối vé số tại 12 tỉnh - thành mà Bộ Tài chính phê duyệt, cũng như chỉ được mở đại lý, điểm bán hàng, lắp đặt các thiết bị đầu cuối tại các địa bàn này.
Nếu Vietlott phát hành và phân phối vé số cho người mua tại 12 tỉnh - thành được cấp phép, sau đó những người này lại tiếp tục bán (theo hình thức trao tay) cho người mua cuối cùng tại các tỉnh - thành khác thì nằm ngoài tầm kiểm soát của chính Vietlott.
Bởi vì Vietlott chỉ phải chịu trách nhiệm cho việc phát hành và kinh doanh xổ số tại đúng địa bàn được Bộ Tài chính cho phép theo Điều 8 Nghị định 30/2007/NĐ-CP về kinh doanh xổ số (Nghị định 30), theo đúng giá vé mà Nhà nước quy định là 10.000 đồng theo quy định tại Điều 5 Thông tư 136. Còn người mua vé số sau đó làm gì với vé số đó (bán với giá nào, bán ở đâu, bằng cách nào) là quyền của họ.
- Như ông nói, Vietlott chỉ chịu trách nhiệm việc bán vé số đúng địa bàn, đúng giá vé quy định, còn việc kinh doanh vé số sau đó thì không liên quan?
- Để trả lời câu hỏi này cần phải xem Vietlott có hay không có mối quan hệ hợp đồng hay quản lý với những người bán dạo. Nếu những người này không được Vietlott thuê tuyển, ủy quyền phát hành và phân phối vé xổ số thông qua hợp đồng đại lý, không được trang bị thiết bị đầu cuối thì không thể xem họ là đại lý của Vietlott (theo Điều 15 Thông tư 136).
Phía Vietlott phải quan tâm đến quan hệ mua bán giữa họ và người mua ban đầu có hợp pháp, hợp lệ hay không. Còn quan hệ mua bán sau đó (bán lại vé số được mua từ Vietlott) diễn ra như thế nào thì Vietlott cũng không kiểm soát được. Đây là 2 vấn đề khác nhau, nên cần nhìn nhận một cách khách quan.
- Một số tỉnh - thành mới đây đã có công văn yêu cầu các đại lý của Vietlott không bán vé xổ số cho những người bán vé số dạo. Ông bình luận gì về điều này?
- Bất cứ đối tượng nào (người bán vé số dạo cũng không ngoại lệ) đáp ứng đầy đủ các quy định tại Điều 4 Thông tư 136 đều có quyền mua vé số dự thưởng của Vietlott. Cần thấy rằng, trước khi bán lại vé số đã mua từ Vietlott, họ là người dự thưởng hay là người mua hợp pháp. Theo tôi, một số tỉnh - thành cấm bán vé xổ số Vietlott cho những người bán vé số dạo là không hợp lý.
Theo Khoản 4, Điều 6 Luật Cạnh tranh thì các cơ quan quản lý nhà nước không được có những hành vi cản trở kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.
- Cám ơn ông!