|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xử lý dứt điểm các dự án 'dở sống dở chết' của ngành công thương trong 2 năm tới

22:30 | 31/12/2016
Chia sẻ
Bộ trưởng Công Thương cũng yêu cầu cần có giải pháp để các dự án có thể được tiếp tục khai thác hiệu quả cao nhất, phù hợp xu hướng chung cũng như cần làm rõ nguyên nhân, tồn tại cả về mặt thể chế, chính sách, con người liên quan đến trách nhiệm tập thể, cá nhân trong quá trình từ lúc phê duyệt chủ trương đầu tư, quản lý dự án.
xu ly dut diem cac du an do song do chet cua nganh cong thuong trong 2 nam toi

Nhà máy đóng tàu Dung Quất là một trong số những dự án hoạt động kém hiệu quả, trong tình trạng "sống dở chết dở" của ngành công thương.

Liên quan đến những dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”, trao đổi với báo chí chiều 30/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Dự kiến năm 2017-2018 giải quyết dứt điểm, triệt để những dự án thua lỗ. Không chỉ dừng lại ở câu chuyện giải quyết dứt điểm các dự án, đảm bảo hiệu quả và tài sản nhà nước, cần làm rõ nguyên nhân và xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể”.

Như tin đã đưa trước đó, trong phiên họp chiều 20/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ xử lý tồn tại, yếu kém ở 12 nhà máy, dự án lớn thuộc ngành Công Thương.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, 5 nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả mà Quốc hội đã nêu lên tại Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua là nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và nhà máy đạm Ninh Bình.

Đáng lưu ý, Ban chỉ đạo cũng bổ sung sơ bộ thêm 7 nhà máy, dự án khác (gồm đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai , DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai) đang có tình trạng tương tự để tập trung xử lý dứt điểm theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhằm kéo giảm nguy cơ mất vốn đầu tư, tiêu hao nguồn lực Nhà nước cũng như của xã hội.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, vấn đề này đã nhiều lần được đề cập tới và ngay tại phiên họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ cũng đã có báo cáo về 5 dự án thua lỗ ở trên, sau đó bổ sung thêm và đến nay là 12 dự án.

"Tình trạng tại các dự án này diễn ra trong thời gian dài thậm chí từ trước khi tập đoàn, tổng công ty được giao về Bộ Công Thương làm bộ chủ quản. Các quy chế pháp lý, khuôn khổ pháp luật liên quan đến quản trị doanh nghiệp lúc đó còn sơ sài và bộc lộ nhiều thiếu sót", ông nói.

Theo Bộ trưởng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với sự lãng phí, nguy cơ thất thoát tài sản Nhà nước trong dự án này rất cương quyết và rõ ràng. Theo đó, trước tiên làm rõ các tồn tại, bất cập, nguy cơ của dự án, xác định giải pháp thu hồi tài sản nhà nước, có biện pháp cụ thể.

Đồng thời có giải pháp để các dự án có thể được tiếp tục khai thác hiệu quả cao nhất, phù hợp xu hướng chung cũng như cần làm rõ nguyên nhân, tồn tại cả về mặt thể chế, chính sách, con người liên quan đến trách nhiệm tập thể, cá nhân trong quá trình từ lúc phê duyệt, chủ trương đầu tư, quản lý dự án.

Bộ trưởng cũng cho biết, tới đây hàng loạt các vấn đề lớn trong quản lý Nhà nước về kinh tế ngành, những vấn đề lớn liên quan đến quản lý nguồn tài sản công, quản trị doanh nghiệp Nhà nước, chính sách cán bộ đều được rà soát, mổ xẻ, mục tiêu cuối cùng hoàn thiện thể chế, mô hình doanh nghiệp Nhà nước, hoàn thiện công tác quản lý Nhà nước các cấp.

Phương Dung