Xin hỗ trợ vì COVID-19: Nóng tranh luận chuyện giải cứu 'đại gia' địa ốc
Không có nguồn lực nào đủ để “cứu” tất cả
Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động đến hầu hết các doanh nghiệp. Do vậy, việc hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này là cần thiết.
Tuy nhiên theo quan điểm của các chuyên gia kinh tế, nguồn lực của Nhà nước đều có hạn. Không thể đủ nguồn lực can thiệp đại trà mà phải xác lập ưu tiên để can thiệp có chọn lọc.
Bên cạnh việc xác lập mục tiêu rõ ràng và phù hợp, giới chuyên gia cũng nhấn mạnh việc chính sách đưa ra phải đảm bảo ba nguyên tắc: can thiệp có mục tiêu, kịp thời và có thời hiệu rõ ràng.
Trong đó, nhóm chính sách mục tiêu phải hướng đến hỗ trợ người dân, người lao động và người sản xuất, hướng đến các ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất của đại dịch.
Trong cuộc trò chuyện với PV Dân trí, ông Lê Duy Bình - chuyên gia kinh tế Economica Vietnam nhấn mạnh, trước tác động của dịch bệnh, sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp là cần thiết.
Sự hỗ trợ đó có thể được thực hiện thông qua các công cụ chính sách và các chương trình hỗ trợ. Tuy nhiên, giải cứu thì là câu chuyện khác. Đã xông pha làm doanh nghiệp thì đừng cứ trông chờ vào sự giải cứu của Nhà nước.
“Tại các quốc gia khác, việc vận động hành lang để được hỗ trợ giải cứu là có, nhưng hiếm thấy nước nào có nhiều đề nghị giải cứu từ các hiệp hội doanh nghiệp và từ các doanh nghiệp được ào ạt gửi tới Chính phủ như được quan sát thấy ở nước ta trong thời gian vừa qua”, vị này nói.
Một chuyên gia khác khi chia sẻ trên trang cá nhân của mình cũng cho hay, hiện tại có quá nhiều yêu cầu hỗ trợ, kể cả các doanh nghiệp lớn, những ngành siêu lợi nhuận như bất động sản.
“Tuy nhiên sự hỗ trợ cần hướng đến nhóm dễ bị tổn thương như người nông dân mất mùa vì hạn mặn, người nghèo, người lao động phổ thông mất việc đang lo ăn từng bữa”, vị này cũng đồng tình cho rằng không một nguồn lực nào có thể “cứu" được tất cả.
Nên hay không việc giải cứu “đại gia" địa ốc?
Bàn về hỗ trợ vì đại dịch hiện nay, có thể thấy, hiện có nhiều luồng ý khác nhau trong việc “giải cứu" bất động sản.
Theo đó, một số chuyên gia cho rằng nên cân nhắc việc giải cứu "đại gia" bất động sản. Trong đó, đặc biệt các vấn đề hỗ trợ liên quan đến tín dụng bởi hầu hết các khoản vay bất động sản thường rất lớn.
Thay vào đó, các doanh nghiệp bất động sản có thể kỳ vọng vào Chính phủ, các bộ ngành liên quan đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn trong thủ tục pháp lý, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng…
Đây được xem là giải pháp rất tốt cho các doanh nghiệp để vực dậy sau dịch bệnh vì thực chất trong nhiều năm qua thủ tục hành chính là một gánh nặng cho nhiều doanh nghiệp.
Một ông chủ doanh nghiệp từng ngậm ngùi phát biểu trước báo giới khi dự án của họ trải qua 10 năm với 2 "đời" lãnh đạo địa phương cũng chưa xong.
Ttrước khi chịu tác động từ Covid-19, thị trường bất động sản đã tồn tại những khó khăn từ cách đây 2 năm do những vướng mắc về thủ tục pháp lý khi triển khai dự án.
Thậm chí, có ý kiến cho rằng doanh nghiệp có thể tự “giải cứu" bằng cách hạ giá bất động sản, tăng chiết khấu để tăng tính thanh khoản trong bối cảnh thị trường ảm đạm thay vì "trông chờ" được cứu.
Trao đổi với Dân trí về những quan điểm trái chiều trong việc “cứu" đại gia địa ốc, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản cho rằng, bất động sản cần được bình đẳng như những lĩch vực khác.
Ông Đính cho biết, ngành này tác động đến nhiều lĩnh vực khác, tạo ra hàng triệu việc làm, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Vị này cũng nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp bất động sản không phát triển được thì sẽ kìm hãm nhiều ngành khác, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nền kinh tế.
“Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, rõ nhìn thấy nhất là bất động sản du lịch hay phân khúc bất động sản cho thuê…”, ông Đính chia sẻ.
Theo số liệu mới được công bố, đã có đến 800 sàn giao dịch bất động sản trong tổng số khoảng 1.000 sàn giao dịch trong cả nước phải ngừng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp bất động sản phải hoạt động cầm chừng, chọn cách "ngủ đông"...
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản EZ Việt Nam cho rằng: Người ta vẫn nói “giải cứu” doanh nghiệp địa ốc là giải cứu “nhà giàu”.
Nhưng thử hỏi, nếu doanh nghiệp bất động sản “chết” thì kéo theo bao nhiêu ngành nghề, người lao động khổ theo?
Tuy nhiên, ông Toản cho rằng, có thể tính đến việc “cứu” thị trường bất động sản theo hướng giải thoát đầu ra. Đó là khuyến khích người mua nhà như ưu đãi lãi suất cho người mua nhà.
“Như vậy vừa giải quyết được bài toán về nhà ở cho người dân, vừa tăng tính thanh khoản cho doanh nghiệp", ông Toản nói.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA mới đây cho biết, các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà đều gặp khó khăn rất lớn.
Tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính, do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%, càng tạo thêm áp lực lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản, nhất là trong lúc các doanh nghiệp vẫn phải duy trì lực lượng lao động.
Trong khi đó theo ông Lê Hoàng Châu, ngành bất động sản là một bộ phận hữu cơ, quan trọng của nền kinh tế quốc dân, có liên quan đến hơn 90 ngành nghề, trước hết là ngành xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng (thép, xi măng, gạch, đá, nhôm, kính…), trang thiết bị nội ngoại thất, tạo việc làm cho hàng triệu người lao động, bao gồm bất động sản công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, thể dục thể thao, văn phòng làm việc...