Xem xét thí điểm mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia bảo hiểm vi mô
Chiều 6/7, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp thường trực Ủy ban mở rộng thẩm tra dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị-xã hội.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, bảo hiểm vi mô là các sản phẩm bảo hiểm hướng tới người nghèo, người có thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội, với đặc điểm phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu.
Tại Việt Nam, năm 2014, Chính phủ đã cho phép Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô để cung cấp quyền lợi bảo hiểm cho các thành viên của mình.
Việc triển khai này đã đáp ứng được một phần nhu cầu bảo hiểm của các hội viên là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa có thu nhập thấp và được các hội viên đón nhận.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có cơ sở pháp lý để hướng dẫn hoạt động bảo hiểm vi mô không vì mục tiêu lợi nhuận.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chỉ rõ, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm vi mô của tổ chức chính trị-xã hội là cần thiết nhằm tạo tiền đề xây dựng khung khổ pháp lý bền vững, mở rộng việc triển khai bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị-xã hội sau thời gian thực hiện thí điểm.
Việc xây dựng Nghị định cũng tạo điều kiện tham gia bảo hiểm cho người dân có thu nhập thấp, ít có điều kiện tiếp xúc với sản phẩm bảo hiểm thương mại của các doanh nghiệp bảo hiểm, góp phần thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.
Dự thảo Nghị định gồm 3 Chương, 24 Điều, 6 Phụ lục, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Nghị định; tổ chức triển khai bảo hiểm vi mô; sản phẩm bảo hiểm vi mô; quyền và nghĩa vụ của cấp Trung ương của tổ chức chính trị-xã hội, thành viên tham gia bảo hiểm trong giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm vi mô; tài chính đối với bảo hiểm vi mô…
Thảo luận tại phiên họp, một số ý kiến thống nhất với đề xuất của Chính phủ cho rằng cần ban hành Nghị định nhằm tạo hành lang pháp lý để quản lý Nhà nước trong bối cảnh nhu cầu phát triển và thực trạng hoạt động bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị-xã hội đồng thời đây cũng là tiền đề cho các tổ chức chính trị-xã hội hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đẩy mạnh hoạt động thu hút hội viên, giúp hội viên chia sẻ rủi ro, thể hiện sự quan tâm của tổ chức đối với thành viên của mình.
Nhiều đại biểu chỉ rõ, đây mới chỉ là hoạt động thí điểm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chưa phải của tất cả các tổ chức chính trị-xã hội theo quy định của dự thảo.
Bên cạnh đó, nội dung về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị-xã hội đã được đề cập trong nội dung sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì chỉ khoảng hơn 1 năm nữa sẽ sửa đổi toàn diện Luật này. Do đó, chưa cần thiết ban hành Nghị định riêng vào thời điểm hiện nay.
Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh cho rằng, việc tiếp tục thực hiện chính sách bảo hiểm vi mô là cần thiết vì bảo hiểm vi mô phủ rộng được đến tất cả các nhóm đối tượng mà hiện nay các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại không thực hiện được, để đảm bảo an sinh của quốc gia.
Để triển khai như dự thảo Nghị định thì phải cân nhắc, đặc biệt là về mô hình tổ chức khi giao thêm nhiệm vụ cho 5 tổ chức chính trị-xã hội.
“5 tổ chức ở Trung ương trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kinh doanh bảo hiểm thì rất mạo hiểm vì có nhiều rủi ro về quản lý vĩ mô đến triển khai thực hiện. Nếu triển khai chính sách này thì phải có một tổ chức độc lập và phải có cơ chế đặc thù cho họ,” ông Sinh phân tích.
Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh, do các đơn vị này hoạt động không vì lợi nhuận nên Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ ban đầu như cơ sở vật chất…
Ngoài ra, trong thời gian tới, cần phải tiếp tục tổng kết đánh giá hoạt động này để có cơ sở đưa vào Luật Kinh doanh bảo hiểm, từ đó xây dựng cơ sở pháp lý tốt hơn.
Qua thảo luận, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, xem xét thí điểm mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị-xã hội.
Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, xem xét đưa quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị-xã hội vào nội dung sửa đổi của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Bộ Tài chính tăng cường hỗ trợ, giám sát các tổ chức chính trị-xã hội triển khai hoạt động bảo hiểm vi mô.