|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Xe chở tiền ngân hàng bị yêu cầu quay đầu vì 'tiền không phải hàng hóa thiết yếu'

08:53 | 24/07/2021
Chia sẻ
Sau khi xác nhận tài xế làm việc tại một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn và có đầy đủ các giấy tờ liên quan, khai báo y tế đầy đủ, tài xế đã được cho đi.

Theo thông tin từ video được tài xế lái xe chở tiền của ngân hàng quay lại tại một chốt kiểm soát dịch trên địa bàn huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, xe chở tiền bị yêu cầu quay đầu, không được qua chốt kiểm soát với lí do "tiền không phải hàng hóa thiết yếu".

Tài xế này đã được cán bộ công an trực chốt kiểm tra giấy tờ, bao gồm giấy xác nhận công việc, giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, chứng minh nhân dân và yêu cầu thông báo số người trên xe.

Tuy nhiên, một cán bộ mặc áo khoác xanh bất ngờ tiến đến và yêu cầu công an cho tài xế quay đầu xe, không được qua chốt kiểm dịch vì lý do "tiền là mặt hàng không thiết yếu".

Người tài xế liên tục giải thích rằng mình đang đưa tiền về cho ngân hàng theo nhiệm vụ, nếu yêu cầu quay đầu vì tiền không phải là thiết yếu thì phải có văn bản chỉ đạo.

Sau khi các cán bộ khác xác nhận tài xế làm việc tại một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn và có đầy đủ các giấy tờ liên quan, khai báo y tế đầy đủ, tài xế đã được cho đi.

Trước đó, tại Nha Trang, một thanh niên bị xử phạt và giữ giấy tờ xe vì đi mua bánh mì khi thành phố đang thực hiện Chỉ thị số 16 vì lý do "bánh mì không phải lương thực thiết yếu". Tuy nhiên sau đó, UBND thành phố đã có thư xin lỗi và quán triệt lại về việc một số cán bộ cứng nhắc không linh hoạt trong việc thực hiện các quy định giãn cách xã hội.

Những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 gồm:

Đối với các siêu thị, chợ dân sinh, các cửa hàng tiện lợi , tiện ích: chỉ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu gồm:

- Hàng thực phẩm tươi sống: thịt (các sản phẩm từ thịt); thủy sản (các sản phẩm từ thủy sản); rau, củ, quả (các sản phẩm từ rau, củ, quả); trái cây; trứng (các sản phẩm từ trứng);

- Hàng công nghệ phẩm: Bánh, kẹo; muối; bột nêm; gia vị; nước mắm; đường; dầu thực vật; Sữa các loại; Mỳ gói các loại và một số mặt hàng lương thực, thực phẩm khác phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của người dân; Nước uống, nước ngọt đóng chai, lon, thùng;

- Lương thực: gạo tẻ, gạo nếp, vừng, đậu, ngô, khoai, sắn; bột, tinh bột (các sản phẩm từ bột, tinh bột);

- Các nhu yếu phẩm cần thiết: Khẩu trang, sản phẩm dùng để tẩy rửa, tắm giặt, gội; nước kháng khuẩn, giấy vệ sinh.

Các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được phép hoạt động gồm:

- Siêu thị; chợ dân sinh; cửa hàng tiện lợi, tiện ích; cửa hàng tạp hóa; cửa hàng kinh doanh trái cây; chuỗi cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm (chỉ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu);

- Các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh;

- Cửa hàng kinh doanh xăng dầu, gas khí đốt;

- Các cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh: Thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế tỉnh.

- Dịch vụ bưu chính, viễn thông, truyền hình;

- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng, thanh toán điện tử;

- Dịch vụ hỗ trợ vận chuyển;

- Xuất, nhập khẩu hàng hóa;

- Dịch vụ bảo vệ;

- Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như: công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp;

- Các cửa hàng thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; - Dịch vụ tang lễ, nghĩa trang.

Khi thực hiện giao dịch các loại hình kinh doanh dịch vụ nêu trên cần hạn chế di chuyển, giao dịch trực tiếp, không tập trung đông người cùng một thời điểm; đồng thời, yêu cầu người dân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2m, vệ sinh khử khuẩn… theo hướng dẫn của ngành y tế (riêng đối với các chợ dân sinh, siêu thị phải thực hiện phân luồng, hướng dẫn người dân di chuyển một chiều vào, một chiều ra khi mua sắm).

Lê Huy