|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Xu hướng mới về phát triển hoạt động ngân hàng quốc tế

10:19 | 13/11/2017
Chia sẻ
Ngày 07/11/2017, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra báo cáo phát triển tài chính toàn cầu 2017-2018, được hình thành vào thời điểm có nhiều tranh cãi xung quanh chương trình cải cách tài chính toàn cầu, nhất là về vai trò của hoạt động ngân hàng quốc tế trong việc hỗ trợ và chia sẻ thành quả phát triển kinh tế.
xu huong moi ve phat trien hoat dong ngan hang quoc te
Xu hướng mới về phát triển hoạt động ngân hàng quốc tế (Ảnh minh hoạ)

Báo cáo nêu rõ, trong thập kỷ trước khủng hoảng tài chính 2007-2009, toàn cầu hóa tài chính ghi nhận tốc độ gia tăng đáng kể, nhất là trong hệ thống ngân hàng, trùng hợp với kết quả gia tăng kỷ lục về quy mô ngân hàng. Những thay đổi này thể hiện xu hướng mở rộng tín dụng xuyên biên giới và sự tham gia ngày càng tăng của các ngân hàng nước ngoài trên toàn thế giới, khi nhóm ngân hàng này trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống tài chính quốc tế, nhất là tại các nước đang phát triển.

Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia WB cho thấy, các ngân hàng quốc tế tham gia hai loại hình hoạt động cơ bản, bao gồm: (i) hoạt động ngân hàng xuyên biên giới dưới hình thức cho vay, nhận tiền gửi, hay bảo hiểm; và (ii) tham gia vào hệ thống ngân hàng trong nước dưới dạng ngân hàng trực thuộc hoặc chi nhánh.

Trong thập kỷ trước khủng hoảng tài chính toàn cầu, các hoạt động ngân hàng quốc tế phát triển rất nhanh, trùng hợp với xu hướng toàn cầu hóa toàn diện trong thời kỳ đó, bao gồm dòng vốn nước ngoài trực tiếp và trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, xu hướng nới lỏng các quy định quản lý và tự do hóa trên toàn thế giới cũng khuyến khích các hoạt động ngân hàng xuyên biên giới cũng như sự hiện diện thể nhân tại nước ngoài.

Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, hoạt động của các ngân hàng quốc tế tại nước ngoài bắt đầu giảm dần. Tuy nhiên, các nước đang phát triển chứng kiến sự suy giảm nhẹ hơn so với các nước phát triển, nhất là dưới dạng ngân hàng con và chi nhánh. Tại các nước phát triển, hoạt động cho vay trực tiếp của các ngân hàng quốc tế tại nước ngoài đã vượt hoạt động cho vay xuyên biên giới, trong khi có xu hướng cân bằng tại các nước đang phát triển do hoạt động ngân hàng thông qua ngân hàng con và chi nhánh tỏ ra bền vững trong việc đối phó với khủng hoảng tài chính.

Từ năm 2010, sự hiện diện của ngân hàng quốc tế tại nước ngoài bắt đầu giảm dần, nhưng số lượng ngân hàng trong nước còn giảm sâu hơn. Trong đó, sự hiện diện của ngân hàng quốc tế tại các nước phát triển có xu hướng giảm dần, nhưng tiếp tục mở rộng tại các nước đang phát triển (chiếm khoảng 60% số ngân hàng mới thành lập). Cho tới năm 2013, các ngân hàng quốc tế tại các nước phát triển còn chiếm 89% tổng tài sản của nhóm ngân hàng này, nhưng giảm 6% so với trước khủng hoảng, phản ánh xu hướng đa dạng hóa sở hữu của các ngân hàng quốc tế.

Sự hiện diện của các ngân hàng quốc tế cũng bắt đầu tập trung vào khu vực, nâng tỷ trọng liên doanh với các ngân hàng khu vực thêm khoảng 4%, phản ánh xu hướng mở rộng hệ thống ngân hàng tại các nước đang phát triển. Tuy nhiên, xu hướng này có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực. Sau khủng hoảng, tỷ trọng tài sản của nhóm ngân hàng quốc tế trong tổng tài sản ngân hàng giảm dần tại châu Âu và Trung Á (ECA), Trung Đông và Bắc Phi (MENA), và khu vực cận Sahara (SSA); nhưng tiếp tục tăng tại Đông Á - Thái Bình Dương (EAP), và khu vực Mỹ Latinh - Caribê (LAC). Tuy nhiên, nhóm ngân hàng quốc tế tại khu vực ECA, LAC, và SSA vẫn chiếm 40-60% hoạt động ngân hàng. Như vậy, hoạt động cho vay của các ngân hàng quốc tế tiếp tục là nguồn tài chính quan trọng, kể cả tại những khu vực này.

Sau khủng hoảng tài chính, dòng vốn xuyên biên giới có xu hướng giảm dần, nhưng vai trò của các nước đang phát triển ngày càng tăng, nhất là trong việc cung cấp tài chính qua biên giới cho những nước đang phát triển khác. So với năm 2007, tỷ trọng dòng vốn ngân hàng xuyên biên giới giữa các nước đang phát triển với nhau (quan hệ Nam - Nam) đã tăng gấp đôi lên 8,5% vào năm 2014. Tương tự, tỷ trọng cho vay của các tập đoàn ngân hàng trong quan hệ Nam - Nam cũng tăng từ 3,5% lên 7,7%. Trong đó, khu vực EAP chiếm 25% tổng tín dụng xuyên biên giới của các tập đoàn ngân hàng trong quan hệ Nam - Nam. Một yếu tố quan trọng thúc đẩy xu hướng mở rộng tín dụng khu vực giữa các nước đang phát triển là vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và CH Nam Phi. Ngoài ra, sự hiện diện của nhóm ngân hàng các nước đang phát triển tại những nước đang phát triển khác cũng ghi nhận sự khác biệt giữa các khu vực. Trong đó, tỷ trọng này tăng đáng kể tại khu vực MENA và SSA.

Một xu hướng khác về quốc tế hóa hoạt động cũng được ghi nhận, đó là sự gia tăng đáng kể về quy mô ngân hàng. Trong giai đoạn 2005-2014, tổng tài sản của nhóm ngân hàng lớn nhất thế giới tăng trên 40%. Bất chấp những nỗ lực điều chỉnh nhằm xử lý vấn đề “quá lớn không thể đổ vỡ” nhằm ngăn chặn nguy cơ phát sinh khủng hoảng, quy mô ngân hàng chẳng những không giảm mà tiếp tục tăng.

Cũng từ năm 2007, cùng với những phản ứng chống lại xu hướng toàn cầu hóa, nhiều nước, kể cả các nước đang phát triển đã chấp nhận chính sách hạn chế hoạt động của ngân hàng nước ngoài thông qua biện pháp trực tiếp và gián tiếp. Xu hướng này đang tiếp tục tăng, trùng với sự suy giảm dòng vốn xuyên biên giới và sự hiện diện của các doanh nghiệp nước ngoài. Xu hướng thắt chặt điều chỉnh này có thể đẩy các ngân hàng quốc tế vào thời kỳ khó khăn, chấm dứt một thập kỷ toàn cầu hóa mở rộng. Trong đó, dòng tín dụng xuyên biên giới giảm sâu, số ngân hàng mới đăng ký thành lập cũng rất ít, mặc dù xu hướng này có sự khác nhau giữa các nước và khu vực. Trong khi các ngân hàng thuộc các nước phát triển đang thu hẹp hoạt động, các ngân hàng thuộc các nước đang phát triển tiếp tục mở rộng đầu tư ra nước ngoài, cả về cho vay xuyên biên giới và sự hiện diện thể nhân, nhất là trong quan hệ Nam - Nam.

Như vậy, hoạt động của các ngân hàng quốc tế đã có những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy tăng trưởng, mở rộng sự phồn vinh và ổn định xã hội, chủ yếu thông qua hoạt động cung cấp nguồn vốn cần thiết, trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống ngân hàng. Mặt khác, thông qua việc chia sẻ và đa dạng hóa rủi ro, góp phần giảm nhẹ tác động của những cú sốc trong nước.

Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng quốc tế cũng có thể làm tăng chi phí. Theo thời gian, các nước chủ nhà không thể tránh khỏi rủi ro mang tính hệ thống, khi hiện nay các ngân hàng quốc tế đang hứng chịu những chỉ trích về vai trò truyền dẫn những cú sốc giữa các nước xung quanh thời kỳ khủng hoảng. Dòng vốn ngân hàng xuyên biên giới cũng đóng vai trò quyết định trong việc truyền dẫn thanh khoản toàn cầu sang các hệ thống tài chính khu vực, và hoạt động ngân hàng quốc tế có thể gây bất ổn chu kỳ cho ngân hàng tại các nước đang phát triển.

Mặc dù chưa thể xác định một cách toàn diện những nguyên nhân và tác động của những thay đổi trên đây, nhưng các cơ quan quản lý tài chính - tiền tệ đang nỗ lực thực hiện các cải cách điều chỉnh và giám sát nhằm cải thiện bảng cân đối tài sản và ổn định tài chính, như yêu cầu về vốn khắt khe hơn, đảm bảo phản ứng hiệu quả trước những thay đổi, tác động đến khả năng cung cấp tín dụng.

Ngoài ra, khủng hoảng cũng đặt ra yêu cầu phải tăng cường hợp tác trong việc xử lý những ngân hàng yếu kém thông qua hoạt động đa dạng và rõ ràng nhằm chia sẻ những khó khăn liên quan. Một cách tổng quát, xu hướng khu vực hóa của hoạt động ngân hàng quốc tế đòi hỏi các nước phải nghiên cứu, áp dụng các cách tiếp cận giám sát và điều chỉnh mang tầm khu vực.

xu huong moi ve phat trien hoat dong ngan hang quoc te 20 ngân hàng hàng đầu thế giới chi 264 tỷ bảng cho các khoản phạt

20 ngân hàng lớn nhất thế giới đã phải chi tổng cộng 264 tỷ bảng cho các khoản phạt, hóa đơn pháp lý và chi ...

Hoàng Thế Thoả