|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Xây dựng ồ ạt, hàng loạt khu du lịch đang bị phá hỏng

08:45 | 09/12/2018
Chia sẻ
Liên tiếp trong thời gian cuối năm, nhiều tỉnh, thành phát triển du lịch đã gặp phải phản đối của dư luận và các nhà chuyên môn vì tình trạng xây dựng ồ ạt, dẫn đến làm hỏng cảnh quan du lịch vốn có. Đây được coi là một vấn nạn trong phát triển du lịch tại Việt Nam khi không cân bằng được giữa phát triển bền vững và lợi nhuận trước mắt.
 
xay dung o at hang loat khu du lich dang bi pha hong 4 NĐT muốn 'đổ tiền' vào khu đất 530 ha của Vườn thú Safari và KDL Bình Châu tại Bà Rịa - Vũng Tàu
xay dung o at hang loat khu du lich dang bi pha hong Tập đoàn Hoa Sen ngừng triển khai dự án Khu du lịch hồ Vân Hội - Yên Bái
xay dung o at hang loat khu du lich dang bi pha hong

19 căn nhà gỗ xây dựng không phép ven Hồ Tuyền Lâm.

Hồ Tuyền Lâm - liên tục mọc công trình không phép

Hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1998. Năm 2017, hồ Tuyền Lâm được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận khu du lịch quốc gia. Trong nhiều năm, Hồ Tuyền Lâm trở thành “con gà đẻ trứng vàng” của du lịch Đà Lạt. Cũng vì đắt giá, khu du lịch này liên tục bị xâm phạm.

Riêng trong năm 2018, Ban Quản lý Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm phải nhiều lần gửi đơn “đề nghị xử lý” những vi phạm xây dựng trắng trợn.

“Việc phát triển các dịch vụ, nhà hàng, lều quán dựng lên tại các điểm di tích trông nhếch nhác, làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ của cảnh quan biển và xâm hại đến di tích”. TS. Nguyễn Đăng Vũ
xay dung o at hang loat khu du lich dang bi pha hong
TS. Nguyễn Đăng Vũ.

Cụ thể, trong tháng 11, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản yêu cầu các ngành liên quan kiểm tra, xử nghiêm các hành vi vi phạm của Công ty CP Đầu tư Lý Khương (chủ đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch sinh thái Hoàng Gia) khi xây dựng 19 căn nhà gỗ trái phép với tổng diện tích 456 m2, xâm phạm vùng bảo vệ I của thắng cảnh cấp quốc gia hồ Tuyền Lâm Đà Lạt.

Trước đó, vào tháng 8, BQL khu du lịch Tuyền Lâm đã phát hiện Công ty Lan Anh Đà Lạt có hành vi xây dựng trái phép bờ kè ngăn đôi một phần mặt nước hồ Tuyền Lâm. Bờ kè này dài khoảng 30 m, cao 2 m, kết cấu bê tông cốt thép chịu lực. Ngay sau đó UBND tỉnh phải vào cuộc, bờ kè bị tháo dỡ nhưng chỉ mới bỏ phần nổi trên mặt nước.

Ngoài ra, theo biên bản làm việc của Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, Công ty Lan Anh còn xây dựng một căn biệt thự với diện tích gần 132m² không phép ở khu vực Hồ Tuyền Lâm.

Ông Phạm Văn Dân, Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch hồ Tuyền Lâm cho biết: những vi phạm kể trên không phải là duy nhất. Liên tục có những công trình trái phép ở quy mô vừa và nhỏ như: quán cà phê, cầu gỗ, quán ăn... được xây dựng trong khu vực bảo vệ. Dỡ cái này mọc cái khác. Thậm chí những dấu vết dỡ bỏ không triệt để vẫn có thể thấy khá nhiều xung quanh hồ. Hầu hết những vi phạm này chỉ bị xử phạt hành chính nên người ta không sợ.

Lý Sơn - xây dựng quá nhanh có thể phá vỡ kết cấu di tích

Trong năm nay, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng là một cụm từ nóng trong các tranh luận về xây dựng ồ ạt khi phát triển du lịch. Kể từ khi có điện lưới quốc gia vào năm 2014, lượng khách du lịch cả trong và ngoài nước đến Lý Sơn ngày càng tăng. Để phục vụ nhu cầu của du khách, các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn đang đua nhau mọc lên, bất chấp quy hoạch và những hệ lụy cho môi trường, sinh thái...

xay dung o at hang loat khu du lich dang bi pha hong
Công trình kè trái phép bị phá dỡ tại Hồ Tuyền Lâm.

Trước đó, xung quanh vấn đề phát triển Lý Sơn, đã có hai luồng ý kiến trái chiều từ chính các cấp lãnh đạo của tỉnh.

Đại diện của Sở VH-TT-DL tỉnh cho rằng: đảo Lý Sơn đất đai nhỏ hẹp, cấu tạo địa chất đặc biệt khác hẳn với các vùng biển đảo khác nên cần phải có kế hoạch để bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan để trở thành đảo du lịch chứ không phải là nơi để phát triển thành đô thị biển. Quan điểm của Sở là phải bảo tồn nguyên trạng di sản địa chất, di sản văn hóa trên đảo Lý Sơn. Có như vậy mới hy vọng UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn, với mục đích trước hết là để phát triển du lịch. Quan điểm này cũng đã được Công ty Đoàn Ánh Dương (công ty nổi tiếng về lĩnh vực nghiên cứu địa chất, di sản văn hóa dưới nước) chứng thực và ủng hộ.

Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Quảng Ngãi lại cho rằng: “Chúng ta phải đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng, các cơ sở homestay trên đảo Bé thì mới phục vụ tốt du khách được; phải quy hoạch lại, đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản để phát triển lâu dài”.

xay dung o at hang loat khu du lich dang bi pha hong
Một đoạn Thành Nội Cổ Loa bị lấn chiếm xây nhà dân sinh. Ảnh: Như Nguyễn

TS Nguyễn Đăng Vũ (nguyên Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi) khẳng định: “Việc xây dựng các công trình dân dụng, dân sinh, dịch vụ thiếu định hướng, thiếu quy hoạch làm cho đảo Lý Sơn biến dạng, phá đi vẻ đẹp tự nhiên, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Thậm chí, nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh bị xâm hại, có nguy cơ bị biến mất”.

Cụ thể, ông Vũ phân tích: “Việc xây dựng đường cơ động xung quanh đảo tạo thuận lợi cho việc đi lại song bờ chắn xây quá cao làm tầm nhìn ra biển bị hạn chế, đồng thời làm mất đi nhiều thắng cảnh đẹp như: bãi Kiều Kiều, hang Cò, nhiều bãi biển đẹp từ hòn Mù Cu đến hang Câu bị san lấp, cổng Tò Vò có nguy cơ bị gãy đổ bất cứ lúc nào vì đường cơ động và đê chắn sóng làm thay đổi hướng sóng, hang Câu cũng bị sạt lở thường xuyên do chấn động.

Ngoài ra, miệng núi lửa trên đỉnh núi Thới Lới được xây dựng thành hồ chứa nước làm mất cảnh quan tự nhiên và mất đi di chỉ văn hóa thời tiền sử cách đây 30 vạn năm”.

Khi còn đương chức, ông Vũ là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ xu hướng “không vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở Lý Sơn mà đánh đổi giá trị của văn hóa, môi trường sinh thái đặc trưng”.

Cổ Loa - dân lấn thành cổ

Mới đây, theo lời kêu cứu trên trang cá nhân của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nhiều nhà nghiên cứu đã đến thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) để tìm hiểu về mức độ xâm phạm di tích ở đây.

Nghiên cứu sinh Hoàng Hà Thu (ĐH KHXH&NV) cho biết: “Khi chúng tôi đến nơi, một số nơi tập kết rác xung quanh khu vực thành cổ mới được dẹp đi nhưng khoảng đất vương rác và bốc mùi thì vẫn còn. Một số chỗ vẫn tồn tại rác thải xây dựng. Hào nước thuộc di tích Cổ Loa bị thu nhỏ đáng kể so với tài liệu gốc, một phần bị san lấp, một phần bị biến thành ruộng, ao, có phần xây nhà và đường hoặc để hoang cho cỏ dại mọc um tùm. Theo những người dân xung quanh, những phần bị lấn chiếm đã dần dần được tư hữu hóa. Nếu trong thời gian tới không được làm rõ vấn đề sở hữu, vậy thì sẽ rất khó để thu hồi. Trước mắt, việc phục hồi hào nước là rất khó khăn”.

Là người trực tiếp nghiên cứu về thành Cổ Loa, Hoàng Hà Thu cho biết thêm: “Tôi có hỏi chuyện Ban quản lý khu di tích nhưng họ chỉ được phép phụ trách các địa điểm trong khu vực Thành Nội, cùng khu đất gần trụ sở làm việc với tổng diện tích khoảng 04 ha. Trong khi đó, toàn bộ khu di tích Cổ Loa rộng gần 900 ha và ba vòng thành đất thì lại do chính quyền địa phương và người dân quản lý, khai thác như là đất đai thông thường.

Hiện nay, trong khu vực này, người dân trồng trọt trên thành, nuôi cá dưới hào, một số hộ dân ở sát chân thành đã được cấp sổ đỏ...”.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chúng ta không xác định được chủ thể, mốc giới để bảo vệ thành và hào. Từ trước đến nay, gần như toàn bộ kinh phí bảo tồn Thành Cổ Loa đều tập trung vào đình, đền, miếu trong khi thành và hào là cái cốt lõi nhất. Đầu tư cho đình, đền là tốt nhưng không đầu tư cho thành và hào là không được, qua đó cho thấy tư duy bảo tồn đang tồn tại một số bất cập”.

Xem thêm

Nhóm PV