|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xây dựng kịch bản ứng phó tình huống khẩn cấp, cực đoan có thể xảy ra với hệ thống điện

23:24 | 04/11/2023
Chia sẻ
Việc điều chỉnh giá điện ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô nên việc điều chỉnh phải báo cáo Thủ tướng. Vì vậy, những năm qua, giá điện được giữ ổn định để đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN 

Tại họp báo Chính phủ chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, cùng với 7 giải pháp đồng bộ đang được triển khai, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nâng cao dự báo, xây dựng kịch bản để đối phó với các tình huống khẩn cấp, cực đoan có thể xảy ra với hệ thống điện, đảm bảo cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện

Bộ Công Thương đã đề ra các giải pháp đồng bộ đảm bảo cung ứng điện trong những tháng cuối năm 2023 và 2024, trong đó đảm bảo đầy đủ nguồn cung ứng điện đầu vào như than, khí, dầu cho phát điện. Bên cạnh đó, giải pháp đẩy mạnh vốn đầu tư cho các công trình nguồn và lưới điện, đặc biệt là các công trình trọng điểm như đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối được tập trung triển khai.

Cùng đó, giải pháp đảm bảo vận hành an toàn tại các tổ máy phát điện và điều độ vận hành hệ thống điện, huy động nguồn điện tối ưu về kỹ thuật, kinh tế, đảm bảo chi phí hợp lý được đẩy mạnh; đẩy mạnh sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống điện mái nhà tự sản tự tiêu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển điện VIII. Về cách tính giá điện, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết căn cứ vào Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/06/2017 "Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân" đã quy định cụ thể các phương pháp lập giá bán điện bình quân, bao gồm chi phí truyền tải, phân phối, bán lẻ, điều hành quản lý ngành…đảm bảo phản ánh đúng, đủ chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân trả lời câu hỏi của phóng viên cơ quan thông tấn, báo chí. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Các cơ chế điều hành điều chỉnh giá bán điện bình quân đã quy định rất rõ trong Quyết định số 24. Theo đó, liên quan đến thông số đầu mà biến động làm cho giá điện quân tăng từ 3% trở lên so với hiện hành thì sẽ được xem xét điều chỉnh tăng; nếu giảm thì điều chỉnh giảm.

Tuy nhiên, do việc điều chỉnh giá điện ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô nên việc điều chỉnh phải báo cáo Thủ tướng. Vì vậy, trong một số năm vừa qua, giá điện đã được giữ ổn định để đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đời sống người dân.

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã nghiên cứu và sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg về xây dựng cơ chế, lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp và hiện Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ.

Việc thực hiện kiểm điểm cung ứng điện đúng quy trình

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, liên quan đến việc thanh tra cung ứng điện, Bộ Công Thương đã có kết luận thanh tra vào tháng 7 vừa qua, trong đó Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong quá trình theo dõi giám sát, Bộ Công Thương nhận thấy về cơ bản các tập đoàn, tổng công ty, nhất là EVN đã tổ chức kiểm điểm nghiêm túc và làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan và có kết luận thanh tra. Bộ Công thương đã tiến hành kiểm điểm các đơn vị có liên quan.

Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để triển các biện pháp khắc phục để tránh các sai sót đã xảy ra.

Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng trả lời câu hỏi của phóng viên cơ quan thông tấn, báo chí. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Tại buổi họp báo chiều 4/11, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, theo kết luận thanh tra số 4463/KL-BCT, Bộ Công Thương đã có ý kiến kết luận EVN và các đơn vị liên quan đến cung cấp điện đã vi phạm nghiêm trọng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương trong việc đảm bảo cung ứng điện.

Cụ thể có 5 tồn tại chủ yếu như sau: Chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện; Chậm khắc phục sự cố tổ máy của một số nhà máy nhiệt điện làm giảm khả năng cung cấp điện; Không chấp hành nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các Quyết định, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về công tác chuẩn bị nhiên liệu cho sản xuất điện làm bị động trong việc chuẩn bị nguồn điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng; Điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối trong huy động các loại hình nguồn điện trong nhiều thời điểm; Vi phạm trong chỉ đạo, điều hành, lập lịch, điều độ vận hành hệ thống điện quốc gia mùa khô năm 2023; Để gián đoạn nguồn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc từ nửa cuối tháng 5 đến tháng 6 năm 2023.

Dựa trên nội dung thanh tra của Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ đạo EVN thực hiện kiểm điểm theo Nghị định 159/2020 về cách thức thực hiện kiểm điểm và mức độ kỷ luật. Trên cơ sở đó, lập hội đòng kỷ luật để có mức kỷ luật phù hợp.

Đến nay, EVN đã làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, đơn vị liên quan, đồng thời đưa ra các giải pháp khắc phục. EVN đã tổ chức Hội nghị kiểm điểm và ra quyết định thị hành kỷ luật khiển trách với Giám đốc và hai Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0); kiểm điểm và ra kỷ luật khiển trách với một Phó Tổng Giám đốc EVN phụ trách điều độ hệ thống điện. Hiện nay EVN cũng đã báo cáo lên Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để báo lên cấp có thẩm quyền hình thức kỷ luật nguyên Tổng Giám đốc EVN kiêm thành viên HĐTV EVN.

Việc thực hiện kiểm điểm này theo đúng quy trình, đúng các nội dung đã được nêu và phù hợp, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng nhấn mạnh.

EVN đã tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật tập thể, cá nhân tại 10 đơn vị thuộc thẩm quyền HĐTV EVN, 14 đơn vị thuộc thẩm quyền của Tổng giám đốc EVN, 85 tập thể, 161 cá nhân thuộc thẩm quyền của các đơn vị thành viên EVN. Kết quả đã ban hành Quyết định kỷ luật với hình thức Khiển trách đối với 3 đồng chí lãnh đạo A0.

Anh Nguyễn - Quốc Huy

M&A bất động sản một thập kỷ nhìn lại
Trong 10 năm qua, thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động và có sự phát triển đáng chú ý. Các thương vụ M&A chủ yếu tập trung vào các phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.