Xác thực ví điện tử: Đẩy khó cho người dùng
Phiền toái khi chụp ảnh chân dung
Theo quy định và chính sách quản lý của Ngân hàng Nhà nước, tất cả các ngân hàng và ví điện tử phải yêu cầu người dùng xác thực thông tin nhằm mục đích bảo mật tài chính và xây dựng một nền tảng thanh toán giảm thiểu gian lận, trộm cắp danh tính, hoạt động “rửa tiền” và các hành động phạm pháp khác.
Việc xác thực tài khoản được thực hiện theo Thông tư 23/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2014/TT-NHNN quy định về việc hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán.
Cụ thể, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, ví điện tử cần phải xác thực tài khoản người dùng và liên kết với tài khoản ngân hàng.
Vì vậy, việc xác thực tài khoản ví điện tử vừa bảo vệ chủ sở hữu ví vừa thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Mục đích của việc bắt buộc xác thực tài khoản ví điện tử là nhằm hạn chế các hành vi lừa đảo, bảo vệ người dùng khi thực hiện thanh toán.
Tuy nhiên, việc xác thực tài khoản ví điện tử trong thời gian qua cũng làm nhiều người dùng cảm thấy không thoải mái, cứ mở ứng dụng ra thanh toán là bị nhắc; có lúc nhắc tới mấy lần.
Nhưng, nếu như người dùng không chịu xác thực thì tới ngày 7-7 tài khoản của họ sẽ bị tạm khoá, không sử dụng được dịch vụ.
Trong quá trình xác thực ví, điểm rắc rối nhất là chụp ảnh chân dung vì một số người vốn không thích cung cấp hình ảnh cá nhân khi sử dụng các dịch vụ bán lẻ, thanh toán…
Anh Minh Đức, nhân viên kế toán ở TPHCM cho biết, trước giờ vẫn dùng ví điện tử thanh toán ở các cửa hàng tiện lợi, quán cà phê, nhà hàng… mới đây đã quyết định đóng ví, khi quá trình xác thực tài khoản yêu cầu anh phải chụp ảnh giấy chứng minh nhân dân (CMND) hai mặt, chụp ảnh chân dung.
Vì không muốn thực hiện yêu cầu này nên anh Minh Đức sẵn sàng thay đổi thói quen thanh toán từ ví điện tử sang tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng.
Ở góc nhìn khác, chị Ngọc Mai, nhân viên một công ty truyền thông cho rằng, việc xác thực ví điện tử như Momo, ZaloPay, Moca… giúp gia tăng tính an toàn, bảo mật cho tài khoản của người dùng. Chị nhận xét việc khai báo, chụp ảnh giấy CMND không mất nhiều thời gian, chỉ e ngại về mặt tâm lý đối với việc chụp ảnh chân dung.
Theo thông tin từ các nhà cung ứng ví điện tử thì bên cạnh việc xác thực giấy tờ tuỳ thân như giấy CMND hoặc thẻ căn cước công dân, hộ chiếu…, người dùng còn phải chụp ảnh chân dung để đối chiếu giữa hình ảnh trên giấy tờ và người sở hữu tài khoản. Đây là một yêu cầu bắt buộc, mang tính bảo mật.
Cụ thể, ví điện tử Moca cho biết, việc thu thập thông tin cá nhân là một phần của quy trình “KYC” (Know Your Customer –nhận biết khách hàng”). Moca cam kết bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng theo các chính sách bảo mật của Moca cũng như tuân thủ các quy định an toàn bảo mật thông tin hiện hành của Việt Nam.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cho rằng, thực ra việc xác thực ví điện tử hiên thời chủ yếu là thực hiện thủ tục xác nhận danh tính của người dùng; khác với việc áp dụng công nghệ để tăng cường bảo mật. Nếu người dùng đã làm thủ tục xác thực tài khoản sẽ dễ dàng xác định chủ sở hữu ví điện tử đó, việc áp dụng các quy định pháp lý sẽ đơn giản hơn.
Không dùng ví thì thanh toán bằng ứng dụng (app) ngân hàng
Một số người tiêu dùng lo lắng: Nếu không xác thực tài khoản ví điện tử, tới ngày 7-7 chắc họ không có công cụ để thanh toán hoá đơn điện, nước hàng tháng?
Theo thông tin từ các ví điện tử, khách hàng đang nhận được thông báo yêu cầu xác thực tài khoản trước ngày 7-7-2020.
Trong khoảng thời gian từ nay đến hết thời hạn trên, người dùng vẫn có thể dùng ví để thanh toán dù chưa hoàn tất việc xác thực tài khoản. Tuy nhiên, khi sử dụng ví điện tử (mà chưa xác thực), ở mỗi công đoạn sẽ xuất hiện lời nhắc, yêu cầu chủ tài khoản xác thực tài khoản ví trước ngày 7-7.
Trên thực tế, những tính năng thanh toán hoá đơn điện, nước, internet, truyền hình cáp… trên ví điện tử, trên các ứng dụng (app) của ngân hàng hầu như có đầy đủ.
Do đó, nếu người tiêu dùng đã có tài khoản ngân hàng và có đăng ký dịch vụ thanh toán trực tuyến (internet banking, mobile banking…) thì chẳng phải lo việc không dùng ví điện tử thì trả tiền điện, nước hàng tháng theo hình thức trực tuyến.
Hiện tại, những tài khoản ngân hàng (chi trả lương) của người dùng đã được ngân hàng định danh ngay từ đầu nên không phải lo lắng.
Có thể nói, cũng có một vài mục thanh toán ở các cửa hàng chỉ có thể dùng ví điện tử để nhận ưu đãi; còn thanh toán qua thẻ hoặc tài khoản ngân hàng ít khi được hưởng. Vì thế, vẫn nhiều người thích dùng ví điện tử để thanh toán ở các quán cà phê, quán ăn, nhà hàng…
Ví dụ như trên app ngân hàng ACB có ít nhất 11 mục thanh toán bao gồm hoá đơn điện, nước, internet, truyền hình, nạp tiền điện thoại trả trước - trả sau…
Hoặc mua vé máy bay, vé tàu hoả, mua bảo hiểm trực tuyến… qua tính năng ngân hàng trực tuyến. Các ngân hàng khác cũng đều cung cấp tính năng thanh toán hoá đơn, mua một số sản phẩm - dịch vụ... thông qua ứng dụng di động do chính họ phát triển.
Bàn về việc xác thực ví điện tử, thay vì tìm giải pháp kết nối dữ liệu, đối soát thông tin cá nhân… giữa các nhà cung cấp dịch vụ (như ngân hàng), cơ quan quản lý Nhà nước lại đưa ra yêu cầu người dùng phải khai báo thông tin, chụp ảnh giấy tờ… để xác nhận danh tính. Khách hàng vốn dĩ đã phải liên kết với tài khoản ngân hàng (đã được định danh) với ví điện tử; nay lại phải xác thực bằng giấy tờ tuỳ thân.
Nếu như hai nhà cung cấp dịch vụ (tức ngân hàng và ví điện tử) được phép kết nối, chia sẻ dữ liệu thì việc xác thực danh tính chủ tài khoản sẽ trở nên đơn giản hơn. Vì cơ bản muốn sử dụng tất cả các dịch vụ của ví điện tử, người dùng bắt buộc phải liên kết với một tài khoản ngân hàng.
Hướng về tương lai, các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh sẽ cần tới một kho dữ liệu dùng chung để có thể thông qua kho dữ liệu này để xác nhận danh tính người dùng. Nếu tài khoản sử dụng dịch vụ của ngành này đã được định danh thì không cần phải làm bước xác nhận danh tính trở lại khi đăng ký dịch vụ của ngành khác.
Có thể chuyển tiền từ ví trở về tài khoản ngân hàng
Các nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử cũng cho biết thêm, đến thời điểm Thông tư 23 có hiệu lực (ngày 7-7-2020) người dùng chưa kịp xác thực thì tài khoản sẽ bị khoá.
Sau khi người dùng xác thực tài khoản thành công, có thể giao dịch trở lại như bình thường. Kể cả khi tài khoản chưa được xác thực, tiền trong ví điện tử của người dùng được bảo toàn, hoặc có thể rút về tài khoản ngân hàng liên kết bất kỳ lúc nào.