|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

World Bank: Lấp ‘lỗ hổng’ về quy định, quản lý tốt thị trường trái phiếu doanh nghiệp

10:07 | 24/04/2022
Chia sẻ
Cải thiện các quy định về phát hành riêng lẻ, ban hành các nguyên tắc và tiêu chuẩn cốt lõi về sự chuyên nghiệp của nhà đầu tư, hợp lý hóa quy trình phê duyệt phát hành và niêm yết trái phiếu,… là những khuyến nghị của Ngân hàng thế giới (World Bank – WB) để Việt Nam có thể quản lý tốt và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Ketut Ariadi Kusuma, Chuyên gia tài chính cao cấp, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của WB tại Việt Nam khẳng định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh chóng trong vài năm qua là bởi Chính phủ Việt Nam đã từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện để phát triển thị này.

 

Tuy nhiên, ông Ketut Ariadi Kusuma đã chỉ ra một số rủi ro tiềm ẩn và gợi ý giải pháp để phát triển thị trường. 

Ông Ketut Ariadi Kusuma, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của World Bank tại Việt Nam

Đa dạng hóa phương thức đầu tư với mức độ rủi ro và lợi tức khác nhau

Ông nhận định thế nào về thị trường trái phiếu tại Việt Nam hiện nay?

Ông Ketut Ariadi Kusuma: Ở góc độ vĩ mô, sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ đa dạng hóa nguồn vốn cho phát triển. Trước đây, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng trong việc huy động nguồn tài chính cả ngắn hạn và dài hạn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, do phần lớn nguồn vốn của các ngân hàng là ngắn hạn, nên việc phụ thuộc quá nhiều vào khu vực ngân hàng để cung cấp nguồn vốn dài hạn gây ra rủi ro về kỳ hạn và thanh khoản đáng kể cho hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, ràng buộc đối với nợ công đòi hỏi phải có sự chuyển dịch trong việc cấp vốn cho phát triển kinh tế từ nguồn vốn chính phủ sang thị trường vốn và nguồn vốn từ khu vực tư nhân.

Các doanh nghiệp, bao gồm cả khối doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp Nhà nước, sẽ cần nguồn vốn thay thế từ bên ngoài khu vực ngân hàng. Ngay cả khu vực ngân hàng cũng sẽ cần nguồn vốn từ thị trường để tái cấp vốn và để tăng thời gian đáo hạn trung bình trong tổng nguồn vốn.

Trước những nhu cầu ấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cung cấp hình thức đầu tư thay thế với sự đa dạng hóa phương thức đầu tư với mức độ rủi ro và lợi tức khác nhau.

Các nhà đầu tư dài hạn như quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm nhân thọ và quỹ hưu trí (trong cả khu vực nhà nước và tư nhân) cũng sẽ cần đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ ngoài việc nắm giữ trái phiếu chính phủ. Từ những khía cạnh này, trái phiếu doanh nghiệp cung cấp một kênh đầu tư khác với tiền gửi ngân hàng, cổ phiếu, đầu tư bất động sản và những kênh đầu tư khác.

Một thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển tốt, có đủ tính thanh khoản và tính minh bạch, sẽ rất hữu ích để thu hút thêm vốn đầu tư, từ đó có thể thúc đẩy cho sự phát triển không chỉ trong khu vực doanh nghiệp mà còn cho cơ sở hạ tầng công cộng thông qua các phương thức hợp tác công - tư.

Chưa có sự phân biệt hiệu quả giữa thị trường công khai và thị trường phát hành riêng lẻ

Vậy đâu là những hạn chế và rủi ro tiềm ẩn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?

Ông Ketut Ariadi Kusuma: Tôi đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Kết quả là thị trường đã phát triển nhanh chóng trong vài năm qua (tốc độ tăng trưởng kép đạt trên 40% mỗi năm tính theo số lượng trái phiếu phát hành trong 5 năm qua).

Điều này phản ánh nhu cầu thực sự đối với thị trường này khi mà các doanh nghiệp cần nguồn vốn và các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển. Việt Nam vẫn đang đối mặt với một số "lỗ hổng" về quy định và việc thực hiện mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực để giải quyết các vấn đề này thông qua các quy định mới.

Một trong những lỗ hổng lớn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam là sự phân biệt chưa hiệu quả giữa thị trường công khai và thị trường phát hành riêng lẻ. 

Thị trường công khai là nơi trái phiếu đủ điều kiện được bán cho tất cả nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân hay nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trái phiếu phát hành trên thị trường này cần phải có tiêu chuẩn cao trong việc công bố thông tin và cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, trong trường hợp này là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. 

Ngược lại, thị trường phát hành riêng lẻ là nơi trái phiếu chỉ được bán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp có đủ năng lực tài chính và kỹ thuật để phân tích thông tin và đưa ra quyết định đầu tư.

Trong khi luật pháp và các quy định nhằm tách biệt hai thị trường này không chặt chẽ. Những người tham gia thị trường phát hành riêng lẻ tìm cách bán trái phiếu phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư cá nhân, những người có thể không thực sự có đầy đủ kiến thức về lĩnh vực này.

Khi đó, các nhà đầu tư cá nhân có thể tiếp xúc với các sản phẩm không phù hợp với họ. Những nhà đầu tư bất chính tìm cách tận dụng sự thiếu hiểu biết của những người này để đạt được lợi nhuận cao hơn, gây ra nhiều rủi ro cho thị trường.

Ngoài ra, hạn chế khác trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam là tính minh bạch nói chung chưa như kỳ vọng. Việc xếp hạng tín nhiệm trái phiếu chưa đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường, do đó, thiếu sự giám sát đầy đủ giúp các nhà đầu tư đánh giá rủi ro của trái phiếu.

Khi thị trường phát triển nhanh sẽ có rủi ro và có thể mang tính hệ thống. 

Thị trường tiền gửi và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ, nên cũng cần quy định chặt chẽ về hai thị trường này. Điều này tương tự đối với mối liên hệ giữa thị trường ngân hàng và thị trường chứng khoán.

Tăng cường giám sát, nâng cao tiêu chuẩn và tính chuyên nghiệp

Như ông chia sẻ, để quản lý tốt và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Việt Nam phải đối mặt với nhiền vấn đề, vậy WB có thể đưa ra những khuyến nghị gì, thưa ông?

Ông Ketut Ariadi Kusuma: Cụ thể đối với Việt Nam là cải thiện các quy định về phát hành riêng lẻ là rất quan trọng để tránh rủi ro cho các nhà đầu tư. Việc xác định quyền và hoạt động của các nhà đầu tư chuyên nghiệp cần được thắt chặt. 

Các quy định này cũng phải khả thi và phù hợp với điều kiện thị trường. Theo tôi, các cơ quan quản lý có thể xem xét mức đầu tư tối thiểu cao hơn vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, để sàng lọc các nhà đầu tư nhỏ không có khả năng chịu lỗ, tiến hành phân tích rủi ro kỹ lưỡng hoặc xin ý kiến chuyên môn.

Bên cạnh đó, cần chú ý để không hạn chế quá mức cơ hội tiếp cận thị trường của doanh nghiệp. Tất cả doanh nghiệp, lớn hay nhỏ, công hay tư, có thể tiếp cận thị trường trái phiếu doanh nghiệp miễn là họ có ý định tốt.

Các cơ quan chức năng nên hợp lý hóa quy trình phê duyệt phát hành và niêm yết trái phiếu doanh nghiệp. Điều này sẽ làm cho thị trường công khai trở nên hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ không nên mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường phát hành riêng lẻ.

Đồng thời, cần tăng cường giám sát thị trường, không chỉ giới hạn ở các doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà cần tăng cường giám sát đối với các tổ chức trung gian thị trường tư vấn, bán, phân phối trái phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân.

Cơ quan chức năng cần áp dụng biện pháp mạnh để ngăn chặn hành vi sai trái của các doanh nghiệp phát hành chứng khoán, các nhà đầu tư và các tổ chức trung gian.

Việc triển khai dịch vụ xếp hạng tín nhiệm chất lượng cao cũng sẽ giúp tăng tính minh bạch và chất lượng thị trường.   

Ngọc Dung