|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

World Bank dự báo thương mại và sản xuất sẽ kéo tăng trưởng toàn cầu 2017 tăng 2,7%

11:26 | 05/06/2017
Chia sẻ
Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) hôm qua dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức 2,7% trong năm nay nhờ lĩnh vực sản xuất và thương mại, tăng niềm tin thị trường và sự hồi phục giá hàng hóa nguyên liệu.

Theo Reuters, Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế toán cầu của World Bank lưu ý lần đầu tiên trong nhiều năm rằng dự báo của tháng 6 không giảm so với dự báo đưa ra tháng 1 bởi những rủi ro tăng trưởng tăng lên.

Dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2017 đạt 2,7% của World Bank cao hơn so với ước tính 2,4% của năm 2016, mức dự báo vừa đưa ra tăng 1/10 điểm phần trăm so với dự báo tháng 1.

World Bank cho biết các nền kinh tế phát triển đang cho thấy những dấu hiệu cải thiện, đặc biệt là Nhật Bản và châu Âu, trong khi 7 thị trường mới nổi lớn nhất gồm Trung Quốc, Brazil, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga một lần nữa là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch World Bank Jim Yong Kim đánh giá rằng với sự hồi phục thật sự nhưng có phần mong manh hiện giờ, các quốc gia nên nắm bắt thời điểm này để thực hiện những cải cách thể chế và thị trường nhằm có thể thu hút đầu tư tư nhân, giúp duy trì tăng trưởng trong dài hạn.

Báo cáo lưu ý mối quan ngại về tình trạng nợ và thâm hụt tăng tại các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển làm cho lãi suất có thể tăng đột ngột hoặc làm cho điều kiện vay vốn bị thắt chặt hơn và dẫn đến hậu quả tiêu cực. Vào thời điểm cuối năm 2016 nợ chính phủ đã vượt mức 2007 tương ứng với 10 điểm phần trăm GDP tại trên một nửa số nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển; cán cân tài khóa tại 1/3 các nước này xấu đi so với năm 2007 tương ứng với 5 điểm phần trăm GDP.

“Tin vui ở đây là thương mại đã hồi phục,” ông Paul Romer, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới nói. “Đầu tư vẫn còn yếu và gây lo ngại. Vì vậy ta phải chuyển hướng ưu tiên và cấp vốn cho những dự án hứa hẹn sẽ kéo theo đầu tư tư nhân.”

Đểm sáng trong tiến trình này là thương mại đã tăng trở lại và đạt mức 4% sau khi xuống thấp mức kỷ lục 2,5% sau khi trải qua khủng hoảng vào năm ngoái. Báo cáo cũng hướng sự chú ý tới một điểm yếu trong thương mại toàn cầu, đó là giao dịch buôn bán giữa các doanh nghiệp không cùng sở hữu. Thương mại dựa trên các kênh thuê ngoài (outsource) đã giảm nhanh hơn mức giảm giao dịch nội bộ trong một số năm gần đây. Nhân sự việc này, báo cáo kêu gọi chú ý đến tầm quan trọng của mạng lưới thương mại toàn cầu lành mạnh đối với các doanh nghiệp có mức độ liên kết thấp. Đây chính là các doanh nghiệp chiếm đa số.

“Sau thời kỳ trầm lắng kéo dài, sự hồi phục trở lại các hoạt động kinh tế gần đây tại các nền kinh tế mới nổi hàng đầu là tín hiệu đáng hoan nghênh đối với tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới”, ông Ayhan Kose, Giám đốc Viễn cảnh kinh tế phát triển thuộc Ngân hàng Thế giới nói. “Bây giờ đã đến lúc các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển nhìm lại các yếu kém của mình và tăng cường khoảng đệm chính sách để đối phó với các cú sốc.”

World Bank đã tăng dự báo tăng trưởng năm 2017 cho Nhật Bản thêm 0,6 điểm % so với dự báo tháng 1 lên 1,5%, trong khi dự báo của khu vực đồng euro tăng 0,2 điểm % lên 1,7%. Trong cả hai trường hợp, xuất khẩu tăng và việc nới lỏng tiền tệ phi chính thống đang hỗ trợ tăng trưởng.

World Bank cho rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng đang cải thiện nhưng giảm dự báo tăng trưởng cả năm của nước này 0,1 điểm % xuống 2,1% sau các số liệu tăng trưởng yếu đầu năm nay bởi chi tiêu tiêu dùng giảm, dù được cho là chỉ tạm thời. Dự báo tăng trưởng 2018 của Mỹ được WB tăng nhẹ lên 2,2%.

Dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được giữ nguyên với 6,5% cho năm nay, giảm so với 6,7% của năm ngoái. WB dự báo các nước xuất khẩu hàng hóa như Argentina, Brazil, Nigeria, Nga sẽ chấm dứt suy thoái và khôi phục tăng trưởng tích cực trong năm nay.

Tuy nhiên, World Bank cảnh báo rằng những hạn chế thương mại mới có thể làm chệch hướng hồi phục hoạt động thương mại, động thái đang mang lại lợi ích cho nhiều nền kinh tế đang và đã phát triển. World Bank chỉ ra cụ thể những vấn đề về quyết sách của chính quyền Trump.

Theo đó, những hạn chế thương mại như vậy có thể không tốt với Trung Quốc và những nền kinh tế châu Á khác. Xuất khẩu gián đoạn đáng kể có thể làm suy yếu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và lan rộng sang cả khu vực. Hơn nữa, theo World Bank, các biện pháp hạn chế thương mại của Mỹ có thể dẫn tới những biện pháp trả đũa.

World Bank cho rằng xuất khẩu và đầu tư tại Mexico cũng có thể chịu tác động tiêu cực bởi khả năng đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tư do Bắc Mỹ (NAFTA), và gây ra tác động lan tỏa tới cả Trung Mỹ.

Phương Nguyễn

Ngành thép và mối lo ngại với 'biến số' Tổng thống Trump
Nhiều đơn vị phân tích đều đánh giá ngành thép sẽ chịu tác động tiêu cực sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Cổ phiếu thép liên tục đỏ lửa sau ngày công bố kết quả bầu cử cho thấy những góc nhìn kém lạc quan của nhà đầu tư về ngành này.