WEF: Một số động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm sút
Phát biểu tại cuộc thảo luận về triển vọng kinh tế toàn cầu hôm 19/1 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde, cho biết, có những dấu hiệu cho thấy hoạt động tiêu dùng, thường là động lực tăng trưởng kinh tế, không còn mạnh như trước.
Bà Lagarde cho rằng xu hướng này là do tiền tiết kiệm đang giảm dần ở hầu hết các nền kinh tế phát triển, thể hiện qua mức giảm từ 10% xuống "gần như bằng 0."
Theo Báo cáo đánh giá triển vọng các nhà kinh tế trưởng mới nhất do WEF công bố, 56% các nhà kinh tế trưởng dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm vào năm 2024, trong khi đa số dự đoán thị trường lao động và điều kiện tài chính sẽ nới lỏng trong năm tới.
Tuy nhiên, Chủ tịch ECB cho rằng hoạt động thương mại đang bắt đầu bình thường hóa. Bà Lagarde nói: “Thương mại đã đi xuống và bị gián đoạn trên diện rộng trong hai năm trước năm 2023, nhưng nó đang bắt đầu thực sự khởi sắc.”
Bà nói thêm rằng vào tháng 10/2023, khối lượng thương mại toàn cầu đã tăng lần đầu tiên sau nhiều tháng. Một dấu hiệu khác của xu hướng bình thường hóa thương mại là - ngoại trừ Khu vực đồng euro (Eurozone) - lạm phát chung và lạm phát lõi (không tính giá lương thực và năng lượng) đang giảm trên toàn cầu.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner thừa nhận những khó khăn kinh tế mà Đức hiện đang phải đối mặt sau thời gian dài tăng trưởng mạnh mẽ. Nền kinh tế lớn nhất Eurozone đã suy giảm 0,3% trong năm 2023, giữa bối cảnh lạm phát cao dai dẳng, giá năng lượng leo thang và nhu cầu nước ngoài yếu.
Ông Lindner nói rằng năm 2023 là "lời kêu gọi hành động" và cho biết những thách thức bao gồm sự phát triển của Trí tuệ Nhân tạo (AI) và mối đe dọa phân mảnh trong nền kinh tế toàn cầu.
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala bày tỏ lo ngại về những diễn biến chính trị ở khu vực Biển Đỏ và Kênh đào Suez, cũng như việc kênh đào Panama đang chịu ảnh hưởng không nhỏ của biến đổi khí hậu.
Bà cho biết, thương mại hàng hóa đã giảm đáng kể vào năm 2023, buộc WTO phải điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng từ 1,7% xuống 0,8%. Tuy nhiên, trong quý cuối cùng của năm 2023, thương mại đã có sự phục hồi, dẫn đầu là lĩnh vực sản xuất ô tô, linh kiện và phụ tùng.
Bà lưu ý: “Chúng tôi lạc quan hơn về năm 2024, dự báo mức phục hồi đáng kể lên 3,3%. Chúng tôi có thể đang tiến tới bình thường hóa nhưng chưa thể bình thường hoàn toàn vì tăng trưởng thương mại vẫn có xu hướng thấp hơn mức tăng trưởng GDP.” Bà Okonjo-Iweala cho rằng những nhân tố bất ổn đang rình rập đã khiến việc dự báo trở nên khó khăn.
Với chủ đề “Xây dựng lại niềm tin,” cuộc họp thường niên kéo dài 5 ngày của WEF tập trung vào 4 ưu tiên: Đạt được an ninh và hợp tác trong một thế giới rạn nứt; tạo ra tăng trưởng và việc làm cho kỷ nguyên mới; khai thác Trí tuệ Nhân tạo làm động lực cho kinh tế, xã hội và xây dựng chiến lược dài hạn về khí hậu, thiên nhiên và năng lượng.