Đại diện WB: Việt Nam giống như võ sĩ hạng trung nhưng vẫn đang thi đấu trong nhóm hạng nhẹ
Quy mô thị trường của Việt Nam đã trở nên quá lớn để ở lại nhóm Thị trường Cận biên
Tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế diễn ra chiều 22/4, ông Zafer Mustafaeglu, Giám đốc Khối Nghiệp vụ về Tài chính, Năng lực Cạnh Tranh và Đổi mới sáng tạo, Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng Việt Nam đang bắt kịp với các quốc gia trong khu vực, về quy mô thị trường vốn.
Đây là bằng chứng rõ ràng về những nỗ lực liên tục của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường thuận lợi cho thị trường, bao gồm thông qua các định hướng chính sách, quy định và rất nhiều diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức và sự đồng thuận về phát triển thị trường.
"Việt Nam có khát vọng trở thành quốc gia thu nhập trung bình ở ngưỡng cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, nên chúng ta có thể kỳ vọng chất lượng và chiều sâu của khu vực tài chính của quốc gia ít nhất cũng phải ngang bằng với các quốc gia so sánh", ông nói.
Đại diện WB cho rằng quy mô thị trường của Việt Nam đã trở nên quá lớn để ở lại nhóm Thị trường Cận biên. Thị trường cổ phiếu của Việt Nam đã có trọng số trên 30% trong Chỉ số Thị trường Cận biên Toàn cầu của MSCI. Đây là trọng số lớn nhất; tiếp theo là Maroc là 10%. Việt Nam giống như võ sĩ hạng trung nhưng vẫn đang tham gia thi đấu trong nhóm hạng nhẹ.
Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực nâng cấp thành Thị trường Mới nổi. Điều đó không chỉ đem lại cải thiện về chất lượng mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế thứ hạng lớn đến Việt Nam.
Ví dụ trên thị trường cổ phiếu, nâng cấp thành Thị trường Mới nổi có thể đem lại thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, trong đó riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2-5 tỷ.
Theo đại diện WB, để đạt được kết quả đầy hứa hẹn đó, Việt Nam cần phải có nền tảng vững chắc để thị trường hoạt động hiệu quả.
Theo đó, đại diện WB giới thiệu khái niệm SÁU CON MẮT (6 chữ I trong tiếng Anh). Đây là 6 yếu tố của nền tảng thị trường cần được quan tâm sát sao.
Thứ nhất là Thể chế. Ở đây, cần nói đến những thể chế tạo ra chính sách, ban hành quy định, thực hiện chức năng giám sát và thực thi hiệu lực. Quy định không nên quá chặt chẽ làm cản trở sự phát triển của thị trường, nhưng cũng không nên quá lỏng lẻo để những cá nhân xấu và tác nhân xấu trên thị trường lợi dụng trục lợi một cách cách không công bằng. Giám sát hiệu quả và thực thi hiệu quả chính là chìa khóa.
Thứ hai là Hạ tầng. Chìa khóa ở đây là giao dịch và thanh toán hiệu quả và an toàn. Thị trường cần nền tảng để thu thập và chia sẻ thông tin một cách đáng tin cậy kịp thời và đáng tin cậy, bao gồm thông tin về chứng khoán, doanh nghiệp, giá cả và giao dịch…. Điều đó khiến cho thị trường trở nên minh bạch hơn; và là điều kiện cần để thị trường hoạt động hiệu quả. Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức đánh giá định mức tín nhiệm là một phần quan trọng của hạ tầng thông tin. Đánh giá định mức tín nhiệm nên được thúc đẩy ở Việt Nam.
Ba yếu tố tiếp theo là Bên phát hành, Nhà đầu tư và Tổ chức Trung gian.
Đối với Bên phát hành, chính sách cần tạo thuận tiện cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, dù lớn dù nhỏ, là doanh nghiệp nhà nước hay dân doanh, là công ty đại chúng hay tư nhân, đều có thể huy động vốn trên thị trường vốn thông qua các kênh phù hợp, một cách lành mạnh, an toàn, hiệu quả. Họ đều là bộ phận của các thị trường vốn.
Nhà đầu tư chính là máu đưa ô-xy đến các bộ phận của thị trường. Bảo vệ nhà đầu tư là ưu tiên hàng đầu trong các quy định về chứng khoán. Nhà đầu tư cần được giáo dục. Nhưng chúng ta cũng nên ghi nhận rằng không phải tất cả các loại chứng khoán đều phù hợp với mọi nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư cá nhân. Một số loại chứng khoán, ví dụ như trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, cần được duy trì trong thị trường chuyên nghiệp hoặc đòi hỏi trình độ cao hơn.
Định nghĩa về nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể đượcthắt chặt, để ngăn ngừa các nhà đầu tư thiếu kiến thức và kỹ năng phân tích mua chứng khoán mà thực sự không phù hợp với họ. Thông thường các quỹ đầu tư hoặc quy tín thác, có vai trò hữu ích để tập hợp các khoản tiết kiệm và đầu tư chúng một cách chuyên nghiệp. Đưa định mức tín nhiệm vào cân nhắc khi ra quyết định đầu tư cũng là yếu tố rất quan trọng. Chính phủ có thể cân nhắc về áp dụng định mức tín nhiệm vào các quy định về đầu tư của quỹ bảo hiểm, hưu trí và quỹ tương hỗ.
Liên quan đến các Tổ chức Trung gian, trung gian chứng khoán là một hoạt động đòi hỏi phải được cấp phép và giám sát chặt chẽ. Các tổ chức trung gian khác nhau có vai trò khác nhau, ví dụ môi giới chứng khoán không được nhận tiền gửi kỳ hạn, đại diện bán của ngân hàng không thể bán chứng khoán (cổ phiếu hoặc trái phiếu) cho khách hàng. Những người này phải được cấp phép hành nghề, họ phải tuân thủ chuẩn mực hành vi tốt và chịu trách nhiệm giải trình về bất kỳ sai phạm nào.
Yếu tố cuối cùng là Công cụ. Hiểu được các công cụ khác nhau là chìa khóa để ban hành chính sách.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường Chào bán đại chúng và thị trường phát hành riêng lẻ có sự khác biệt. Trên thị trường chào bán đại chúng, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục hài hòa quy trình phê duyệt phát hành và niêm yết trái phiếu, để thủ tục trở nên nhanh hơn. Nên khuyến khích các doanh nghiệp tốt tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp đại chúng sẽ giúp họ tiếp cận mạng lưới các nhà đầu tư rộng hơn.
Liên quan đến chính sách về thị trường phát hành riêng lẻ, nhu cầu đặt ra là cần thắt chặt các quy tắc về nhà đầu tư chuyên nghiệp, sao cho không hạn chế các doanh nghiệp tham gia.
"Không nên có phản ứng quá mức gây hạn chế cho sự phát triển trong dài hạn"
Với những nhiễu loạn hiện nay trên thị trường, WB lưu ý rằng thị trường Việt Nam còn tương đối non trẻ. Vì vậy, sai sót là hoàn toàn có thể xảy ra nhưng quan trọng hơn là cách thức chúng ta học hỏi từ sai sót, chứ không nên đóng cửa chỉ vì chúng ta có một vài thành viên xấu, không nên có phản ứng quá mức gây hạn chế cho sự phát triển trong dài hạn.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam nên cam kết đẩy nhanh lộ trình nâng cấp thành Thị trường Mới nổi. Điều này có nghĩa là Việt Nam cũng cần mở hơn nữa với các nhà đầu tư gián tiếp trên quốc tế, đồng thời nâng cao chất lượng thị trường. Thông tin phải kịp thời, đáng tin cậy và dễ tiếp cận hơn.
Việt Nam có thể cân nhắc các biện pháp làm tăng nguồn cung chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường sâu hơn, đa dạng hơn, sẽ làm giảm cơ hội thao túng và trục lợi.
Cuối cùng, thị trường vốn là phần lõi trong một hệ thống tổng hợp. Thị trường có tương tác với các bộ phận khác của hệ thống. Chẳng hạn, ngân hàng thương mại là thành viên quan trọng trên thị trường vốn ở tất cả các khía cạnh. Nhiều ngân hàng đang phát hành chứng khoán, như vậy họ là bên phát hành, nhiều ngân hàng là nhà đầu tư (họ mua trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu doanh nghiệp) và nhiều ngân hàng là tổ chức trung gian (tư phát hành, lưu ký và cung cấp dịch vụ phân phối trái phiếu doanh nghiệp). Vì vậy, chính sách trong ngành ngân hàng cũng ảnh hưởng đến thị trường vốn và ngược lại.
Tương tự, chính sách trên thị trường vốn đôi khi không thể hiệu quả nếu không được hài hòa với chính sách trong ngành ngân hàng...